Công trình khổng lồ được che giấu bằng rơm
Robert Fidler là một nông dân 63 tuổi ở Surrey, Anh. Ông bắt đầu lên kế hoạch xây một tòa nhà lớn từ năm 2001 nhưng sau đó, kế hoạch chuyển thành việc xây dựng một lâu đài lớn, có đầy đủ cả súng thần công và thành quách.
Nhưng để tránh gặp rắc rối với chính quyền địa phương, Fidler đã che giấu tòa "lâu đài Tudor giả" bằng một bức tường rơm đóng thành kiện cao hơn 12m và dùng những tấm bạt khổng lồ phủ kín. Mặc dù những kiện rơm khá cồng kềnh và dễ dàng bị bắt gặp nhưng kỳ lạ thay, không một ai thắc mắc hay lại gần, kể cả chính quyền nơi đây. Suốt 4 năm trời xây dựng, Fidler không bị chính quyền "hỏi thăm", yêu cầu trình giấy phép xây dựng.
Những kiện rơm chất cao 12m để che giấu lâu đài.
Ông Fidler cho biết: "Con trai tôi là Harry vừa lớn lên vừa nhìn thấy đống cỏ khô qua cửa sổ. Tuy rằng cảnh tượng này không được đẹp mắt lắm, tôi cứ lo Harry thấy buồn chán vì lúc nào cũng phải nhìn thấy những kiện rơm. Nhưng sau một thời gian ngắn đắp rơm thành đống chim chóc đã đến làm tổ. Chồng rơm lớn đã thu hút nhiều chim đến làm tổ bao gồm cả loài chim cổ đỏ và cả một gia đình vịt trời, với 13 con đến sinh sống. Harry có vẻ rất thích thú và tôi cũng thấy mừng vì điều này".
Mặc dù chim chóc tập trung tại tòa lâu đài khá ồn ào nhưng lại không gây sự chú ý với những người xung quanh. Do đó, ông Fidler hoàn toàn yên tâm xây dựng công trình tâm huyết của mình. Cứ như vậy, một tòa lâu đài lộng lẫy được hoàn thành trong êm đẹp.
Fidler và vợ Linda đã đầu tư 50.000 bảng Anh (tương đương 82.000 USD) cho công trình đồ sộ và phải vô cùng vất vả để ém nhẹm nó. Thậm chí, họ không cho Harry đi học vào ngày nhà trường cho học sinh vẽ ngôi nhà của mình. Bà Linda nói: "Không thể để cho Harry vẽ một đống cỏ khô phủ bạt xanh được. Người ta sẽ thấy kỳ lạ và đặt ra câu hỏi ngay. Chắc chắn khi đó lâu đài của chúng tôi sẽ bị lộ".
Chính quyền địa phương "sờ gáy"
Đến tháng 8/2006, Fidler đã công khai tòa lâu đài của mình và tuyên bố ông xây dựng lâu đài hoàn toàn hợp pháp bởi trong trong thời gian dài xây dựng, chính quyền địa phương không gây cản trở hay yêu cầu ông phá bỏ. Rắc rối xảy đến vào tháng 4/2007.
Lúc đó, Fidler nghĩ rằng sự việc đã êm xuôi vì không ai phản đối công trình xây dựng trong suốt bốn năm, ông Fidler đã đi xin phép hợp thức hóa lâu đài. Nhưng chính quyền địa phương lại khiến ông Fidler bối rối. Họ nói rằng, khó có thể hợp thức hóa lâu đài này bởi vì... không ai nhìn thấy nó được xây dựng ra sao và ra quyết định Fidler phải phá hủy lâu đài được xây bất hợp pháp trên khu đất vốn là một kho thóc cũ.
Vợ chồng ông Fidler đứng trước tòa lâu đài bí mật của mình.
Bất bình với điều khoản vô lý này, ông Fidler đã kháng cáo đến tòa án London và Sở Thanh tra kế hoạch, nhưng lệnh phá hủy vẫn được ban hành. Quan tòa Thayne Forbes cho rằng, trước mắt, ông Fidler phải tháo dỡ bức tường rơm ngay bởi nó gây mất thẩm mỹ cho khu vực và bức tường rơm này cũng là một phần của công trình xây dựng trái phép.
Quan tòa Forbes nói: "Trong giấy phép xin hợp pháp hóa, Fidler chỉ xin cấp phép xây dựng những kiện rơm khô. Điều này thực sự quá kỳ lạ. Nếu ông ta chỉ muốn có một bức tường rơm cao 12m thì tại sao lại phải cực khổ đi xin hợp pháp hóa nó chứ?".
Fidler nhất quyết không chấp nhận quyết định này, ông cho biết, ông sẽ giữ lại tòa lâu đài dù phải tốn kém bao nhiêu đi nữa. Nếu cần thiết, ông Fidler sẽ đi đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Ông Fidler bổ sung: "Tòa lâu đài này sẽ không bao giờ bị phá bỏ. Đây là một lâu đài đẹp đã được xây nên trong yêu thương. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ nó lại".
Reigate Banstead Borough, phát ngôn viên Hội đồng thành phố cho biết, ông Fidler có sáu tuần để kháng cáo lên Tòa án Tối cao đối với quyết định phá bỏ lâu đài của mình. Bà Borough còn cho hay, ông Fidler còn có hai lựa chọn khác cho "số phận" của tòa lâu đài đẹp đó.
Thứ nhất, tòa lâu đài sẽ được thành phố thu hồi làm nhà kho mới, sử dụng cho nông nghiệp. Lựa chọn thứ hai là lâu đài sẽ được sử dụng vào mục đích vui chơi giải trí cho người dân. Tất nhiên, Fidler không đồng ý với hai lựa chọn này bởi ông muốn dành tâm huyết của mình làm nơi sinh hoạt và ăn ở của gia đình chứ không muốn "nhà" mình bị trưng dụng như thế.
Hiện tại, ông Fidler vẫn đang gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao và chờ kết quả.
A.M (Theo Dailymail)