Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập chính phủ cho một cuộc họp về ứng phó khủng hoảng hôm 27/3, ngay trước thềm làn sóng đình công và biểu tình mới phản đối cải cách hưu trí.
Thay vì tiếp đón Quốc vương Anh Charles III bằng nghi lễ hoành tráng, ông Macron hội đàm về khủng hoảng với Thủ tướng Elisabeth Borne, các Bộ trưởng nội các và các nhà lập pháp cấp cao tại Điện Elysee từ 13h15 giờ địa phương (tức 19h15 giờ Việt Nam).
Các nghiệp đoàn đã kêu gọi một ngày hành động vào ngày 28/3, là làn sóng thứ 10 kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào giữa tháng Giêng phản đối kế hoạch cải cách hưu trí luật gây tranh cãi, bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Tổng thống Macron, người có tỉ lệ tán thành trong các cuộc thăm dò ý kiến thấp hơn 30%, tuần trước cho biết ông chấp nhận “bị ghét” miễn là cải cách mà ông cho là cần thiết được tiến hành.
Trong khi đó, Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết, mặc dù chính phủ Pháp không có kế hoạch hủy bỏ luật này, nhưng bà sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận với các nghiệp đoàn.
“Chúng ta phải tìm ra con đường đúng đắn. Chúng ta cần bình tĩnh lại”, bà Borne nói hôm 26/3. Thủ tướng Pháp đã lên lịch các cuộc đàm phán trong 3 tuần tới, với các thành viên của phe đối lập trong quốc hội, các đảng phái chính trị, chính quyền địa phương và các đoàn thể.
Ông Laurent Berger, người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT vốn ôn hòa, đã bất ngờ bày tỏ quan điểm cứng rắn chống lại cải cách hưu trí, cho biết ông sẽ chấp nhận lời đề nghị đàm phán nhưng chỉ khi cải cách được “dẹp sang một bên”.
Có “một cách rất đơn giản” để quay lại quan hệ hòa bình, đó là “rút lại luật”, nhà lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon cho biết hôm 26/3, đề cập đến luật cải cách hưu trí mà chính phủ của Tổng thống Macron đã buộc thông qua mà không cần Hạ viện Pháp bỏ phiếu.
Theo nhà điều hành giao thông công cộng Paris RATP, các hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt nội đô sẽ bị “gián đoạn nghiêm trọng” vào ngày tổng đình công và biểu tình hôm 28/3.
Khoảng 1/3 giáo viên trung học cơ sở đã tuyên bố ý định đình công. Tình báo Pháp ước tính sẽ có tới 900.000 người tham gia biểu tình, trong đó có 100.000 người ở Paris, vào ngày 28/3.
Cơ quan hàng không dân dụng của Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không tại sân bay Orly ở Paris, cũng như các sân bay Marseille, Bordeaux và Toulouse, hủy 20% các chuyến bay vào cả ngày 28/3 và 29/3.
Trong khi đó, cảnh sát Pháp đã bị chỉ trích nặng nề vì sử dụng các chiến thuật nặng tay trong các cuộc biểu tình gần đây.
Còn ngay lúc này, những người thu gom rác ở thủ đô Paris hoa lệ vẫn đang tiếp tục đình công, với gần 8.000 tấn rác chất đống trên đường phố. Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire cho biết, công việc thu gom rác đã được đẩy nhanh cuối tuần qua, nhưng vẫn cần “một vài ngày” để trở lại trạng thái bình thường.
Minh Đức (Theo AFP/TRT World, Anadolu Agency)