Các đảng phái cánh tả và cánh hữu của Pháp hôm 23/6 đã bác bỏ lời kêu gọi giúp đỡ của Tổng thống Emmanuel Macron để vượt qua tình trạng quốc hội “bị treo”, yêu cầu ông làm rõ những thỏa hiệp mà ông sẵn sàng thực hiện để giành được sự ủng hộ của họ.
Sau khi để mất thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội cuối tuần qua, ông Macron đã có các cuộc đàm phán khó khăn với các đảng đối lập để cứu vãn chương trình nghị sự cải cách của mình.
Trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Tổng thống Macron vào cuối ngày 22/6 đã có một bài phát biểu trên truyền hình, trong đó ông thừa nhận rằng các cuộc bầu cử lập pháp vừa qua đã gây ra "sự chia rẽ sâu sắc" trong xã hội Pháp.
Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo đối lập xem xét các lựa chọn liên minh có thể có với liên minh Ensemble (Chung sức) của mình hoặc xem xét đưa ra ủng hộ đối với các cải cách trên cơ sở từng dự luật.
Nhưng lời kêu gọi của ông Macron đã nhanh chóng bị bác bỏ vì nhiều người cho rằng những nhượng bộ của Tổng thống là quá ít để đổi được sự ủng hộ của họ.
"Nếu ông ấy cứ khăng khăng với dự án của mình, ông ấy sẽ không giành được đa số tuyệt đối", Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Valerie Rabault nói với đài phát thanh France Inter. "Chính ông ấy là người cản đường nước Pháp, không phải chúng tôi".
Ông Bruno Retailleau, một thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cực hữu chính thống – từng được coi là đối tượng tiềm năng nhất cho ông Macron, đã loại trừ mọi hình thức liên minh với Ensemble của ông Macron. Ông Retailleau cho biết, ông không có niềm tin đối với ông Macron.
"Chúng tôi sẽ xem xét theo từng trường hợp cụ thể", ông Retailleau nói.
Louis Aliot, Phó Chủ tịch Đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen, hiện là đảng đối lập lớn thứ hai trong quốc hội, cũng bác bỏ lời kêu gọi liên minh.
Nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Mélenchon gọi bài phát biểu của Macron là "ratatouille", nghĩa là một món rau hầm thập cẩm.
Như vậy, phản ứng của các bên mang lại ít hy vọng cho ông Macron về một cách thức nhanh chóng thoát khỏi bế tắc.
Phát ngôn viên của chính phủ Pháp Olivia Grégoire giải thích rằng ông Macron muốn các bên làm rõ lập trường của họ trong vòng 48 giờ, và các cuộc tham vấn sâu hơn có thể sẽ mất vài tuần.
Pháp không quen với hình thức chính phủ liên minh. Ở Đức, Hà Lan hoặc các nước Bắc Âu, thường mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng đàm phán các vấn đề và đưa ra các thỏa thuận chính sách chi tiết.
Tổng thống Macron sẽ cần phải làm quen và chấp nhận một phong cách chính trị mới: không thể tự mình quyết mọi thứ, mà cần cởi mở và tương tác nhiều hơn.
Sự thay đổi sẽ không đến một cách tự nhiên, nhưng nếu ông thất bại trong việc này, nhiệm kỳ thứ hai của ông cũng sẽ thất bại.
Minh Đức (Theo Reuters, Economist)