Nước Pháp báo động tình trạng rệp lây lan khi các trường hợp báo cáo rệp xuất hiện ở nhiều nơi đang gia tăng, hiện được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Vấn đề này thậm chí đã không còn là chủ đề của những câu chuyện đùa mà trở thành vấn đề chính trị gây tranh luận tại Pháp, sau khi nhiều người dân phản ánh tình trạng loài côn trùng hút máu này xuất hiện ở sân bay, tàu hỏa, tàu điện ngầm Paris và cả rạp chiếu phim.
Mối lo ngại càng tăng lên khi Pháp chuẩn bị đăng cai Giải vô địch Bóng bầu dục thế giới và Paris chuẩn bị chào đón các vận động viên và người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới tham dự Thế vận hội Mùa hè 2024.
Chính quyền địa phương cho biết, hai trường học, một ở thành phố Marseille và một ở Villefranche-sur-Saone thuộc ngoại ô thành phố Lyon ở miền đông nam nước Pháp, đã bị rệp tấn công mạnh và phải đóng cửa trong vài ngày để dọn dẹp.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Clement Beaune tuần trước tuyên bố sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vấn đề rệp lây lan.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết cuộc họp liên bộ sẽ tổ chức vào ngày 6/10 để đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Người đứng đầu đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron tại quốc hội Pháp Sylvain Maillard thì cho biết, một dự luật liên đảng sẽ được đưa ra vào đầu tháng 12 để chống lại "tai họa" rệp. Ông cho biết, đảng cầm quyền và các liên minh đã quyết định coi đây là chủ đề ưu tiên, đồng thời kêu gọi phe đối lập cánh hữu và cánh tả đưa ra các đề xuất trước nạn rệp hoành hành.
Trong khi đó, trên đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Y tế Aurelien Rousseau bày tỏ lo ngại trước nguy cơ người dân bị các công ty vệ sinh lừa từ 2.000-3.000 euro để phun thuốc trừ côn trùng tại nhà, đồng thời lên án các đơn vị kiểm soát dịch ở Pháp lạm dụng vấn đề này.
Phần lớn loài rệp biến mất vào những năm 1950, nhưng đã xuất hiện trở lại trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu là do mật độ dân số cao và dịch vụ vận chuyển công cộng gia tăng.
Theo thống kê, 10% tổng số hộ gia đình Pháp cho biết gặp vấn đề về rệp trong vài năm qua và phải tiêu tốn hằng trăm, thậm chí hàng nghìn euro để phòng chống loài côn trùng hút máu này.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Dân trí)