Pháp đã cùng với Ba Lan kêu gọi hạn chế hơn nữa đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, đe dọa làm chệch hướng các cuộc đàm phán về việc gia hạn quyền tiếp cận thương mại tự do của Kiev vào EU thêm một năm nữa, trang Politico đưa tin hôm 18/3, dẫn lời 3 nhà ngoại giao châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã gặp nhau hôm 15/3 tại Hội nghị Thượng đỉnh “Tam giác Weimar” ở Berlin, nơi họ đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến giữa quốc gia Đông Âu và Nga.
Ngoài ra, theo nguồn tin của Politico, ông Macron và ông Tusk cũng đã đạt được thỏa thuận mà trong đó Paris và Warsaw đứng về cùng một phía của “chiến tuyến” trong “cuộc chiến” với nông sản Ukraine, trước thềm các cuộc đàm phán quan trọng nhằm tìm cách hàn gắn những rạn nứt đã bộc lộ vào phút chót giữa các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) về thương mại với Ukraine.
Tìm kiếm thỏa hiệp
Sự thay đổi này sẽ khiến Ukraine tổn thất 1,2 tỷ Euro doanh thu thương mại, theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC) được trích dẫn bởi 2 nhà ngoại giao mà Politico tiếp cận được.
Một trong những nhà ngoại giao kể trên đánh giá rằng đó là một mức thiệt hại lớn đối với Ukraine, quốc gia đang vật lộn để giành được mọi sự giúp đỡ có thể. Vị này nói: “Những quốc gia thành viên đang thể hiện sự ủng hộ lớn nhất đối với Ukraine cũng là những quốc gia gây thiệt hại nặng nề nhất cho đất nước này”.
Tranh chấp, nếu không được giải quyết nhanh chóng, có nguy cơ làm lu mờ Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 21/3 – và khiến những tuyên bố đoàn kết với Ukraine của các nhà lãnh đạo trở nên “sáo rỗng” khi họ phải nhượng bộ trước áp lực từ những người nông dân trong nước.
Nông dân không chỉ ở Ba Lan hay Pháp, mà ở nhiều nơi khác trên lục địa châu Âu, cho rằng họ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ vì họ bị trói buộc bởi bộ máy quan liêu của EU.
Các nhà lập pháp châu Âu gần đây đã bỏ phiếu áp đặt một số hạn chế đối với đề xuất của EC nhằm gia hạn miễn thuế nhập khẩu cho Ukraine thêm một năm. Những sửa đổi này đã đưa 3 nhánh của EU – Hội đồng, Nghị viện và Ủy ban – quay trở lại bàn đàm phán vào cuối ngày 19/3 để tìm kiếm một sự thỏa hiệp.
Việc EP “tuýt còi” là một động thái gây bất ngờ vì các nước EU đã ủng hộ đề xuất ban đầu của EC vào tháng 2. Đề xuất bao gồm các hạn chế đối với đường, thịt gia cầm và trứng nhập khẩu từ Ukraine. Vào thời điểm đó, chỉ có Ba Lan, Hungary và Slovakia bỏ phiếu chống lại việc gia hạn, trong khi Bulgaria bỏ phiếu trắng.
Sau cuộc bỏ phiếu toàn thể tại EP, hầu hết các nước EU tỏ ra sẵn sàng giữ vững lập trường của mình trong các cuộc đàm phán liên thể chế, và buộc EP phải thực hiện quyết định thông qua việc gia hạn không sửa đổi.
Nhưng giờ mọi thứ lại được xới tung lên một lần nữa sau cú “quay xe” của Tổng thống Pháp Macron hồi tuần trước.
Gia nhập phe thiểu số
Sau cuộc họp ở Berlin hôm 15/3, Pháp đã gia nhập phe thiểu số, dẫn đầu là Ba Lan, vốn đang thúc đẩy các hạn chế hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine vào khối, theo 3 nhà ngoại giao EU biết về cuộc đàm phán.
Những hạn chế được đề xuất đó sẽ bổ sung các loại ngũ cốc và mật ong khác nhau vào danh sách các sản phẩm bị hạn chế nhập khẩu và kéo dài thời gian tham chiếu để tính các giới hạn đó thêm một năm, theo đó bao trùm giai đoạn 2021-2023.
“Chúng tôi đang làm việc với Ba Lan để tìm ra giải pháp cho phép chúng tôi gia hạn các biện pháp tạm thời trong khi tính đến mối bận tâm của họ”, người phát ngôn của Đại diện thường trực Pháp tại EU nói với Politico.
Thủ tướng Ba Lan Tusk đang cố gắng giải quyết các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân Ba Lan có nguy cơ làm lung lay liên minh cầm quyền mong manh của ông. Yêu cầu của người biểu tình tập trung vào việc hạn chế nhập khẩu từ Ukraine.
Là một phần của làn sóng biểu tình, ngay từ đầu nông dân Ba Lan đã chặn các cửa khẩu thông với Ukraine. Đầu tháng này, hàng chục nghìn nông dân đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, yêu cầu đóng cửa biên giới với Ukraine và bãi bỏ các thỏa thuận “xanh” của EU.
Gần đây nhất, từ hôm 17/3, nông dân Ba Lan đã phong tỏa 2 cửa khẩu thông với Đức, đẩy làn sóng biểu tình tới miền Tây đất nước.
Ở Pháp, Tổng thống Macron đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn tương tự từ nông thôn, khiến ông phải vận động Brussels để tìm cách giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất trong nước.
Các biện pháp mà Warsaw – và bây giờ là Paris – đang thúc đẩy ở cấp EU phản ánh các sửa đổi đã được EP thông qua và được đệ trình bởi đồng minh thân cận của ông Tusk, Nghị sĩ Ba Lan trung hữu Andrzej Halicki của Đảng Nhân dân châu Âu.
Các hạn chế sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm chịu hạn mức nhập khẩu bao gồm ngũ cốc và mật ong, đồng thời đưa năm 2021 vào giai đoạn tham chiếu để tính toán các giới hạn đó.
Mặc dù biện pháp đầu tiên sẽ có tác động kinh tế hạn chế đối với Ukraine, nhưng việc kéo dài thời gian tham chiếu đến năm 2021, năm cuối cùng trước khi nổ ra đụng độ quân sự giữa Kiev và Moscow, sẽ gây thiệt hại nhiều hơn. Đó là vì xuất khẩu thực phẩm của Ukraine sang EU trước xung đột thấp hơn nhiều so với hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem các động thái của EU có đủ để xoa dịu cơn giận dữ của nông dân châu Âu.
Minh Đức (Theo Politico EU, DW)