Trước đó, tờ Le Parisien dẫn lời một đại diện của phái đoàn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết các nhà chức trách Pháp đã quyết định gửi quân đội để giúp đỡ các lực lượng dân quân người Kurd tại Manbij, Syria.
Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron hôm 29/3 đã gặp phái đoàn SDF và bày tỏ sự ủng hộ lực lượng người Kurd trong việc ổn định tình hình ở phía Đông Bắc Syria, theo thông cáo báo chí của Điện Elysee.
Tổng thống Macron lưu ý sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 2401, Pháp đã thể hiện rõ mối quan tâm của mình đối với tình hình ở Afrin và yêu cầu phải có sự trợ giúp nhân đạo cho dân chúng.
Theo Le Parisien, việc triển khai quân đội Pháp tại Manbij đang được phối hợp với Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng
Trước tuyên bố của Paris, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng nước này từ chối đề xuất của chính quyền Macron về việc tổ chức một cuộc đối thoại với người Kurd thông qua sự hòa giải của Pháp.
"Thổ Nhĩ Kỳ có một lập trường rõ ràng về các lực lượng PKK / YPG / PYD. Chúng tôi tin rằng bất kỳ sáng kiến nào để thiết lập một "cuộc đối thoại, liên lạc và hòa giải" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị này là không thực tế”, Ankara nhấn mạnh.
Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu lực lượng người Kurd không rời khỏi Manbij. Hơn nữa, Ankara cam kết sẽ khởi động một chiến dịch quân sự mới trong khu vực nếu quân dân người Kurd không đáp ứng được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 20/1, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các lực lượng Quân đội Syria Tự do, đã mở chiến dịch Nhành Ô liu ở Afrin để "dọn sạch" mối đe dọa khủng bố khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Sau khi phát động, Ankara tuyên bố rằng các hoạt động quân sự có thể sẽ mở rộng sang Manbij.
Chính phủ Syria đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "vi phạm chủ quyền của đất nước".