Những ngày qua các báo lần lượt đưa tin về sự việc hy hữu lần đầu tại Việt Nam . Hai bé sinh đôi chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đây 3 năm.
Hai bé trai sinh đôi chào đời ngày 9/12 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nặng 2,4 kg và 2,9 kg. Mẹ hai bé là chị Kim Dung, 33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội.
Nhiều độc giả đã bày tỏ sự xúc động vui mừng vì điều kỳ diệu này. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới nhưng là đầu tiên ở Việt Nam và nó tín hiệu rất có ý nghĩa đối với nhiều cặp vợ chồng đặc biệt là đối với những người vợ bất hạnh muốn giữ lại dòng máu cho người chồng.
Hai bé được đặt tên là Hoàng Đức và Hoàng Hải theo họ của cha. Ảnh:VnExpress
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít những ý kiến băn khoăn về vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này. Trên trang cá nhân của mình, Ths. luật học Bùi Tiến Đạt, nghiên cứu sinh luật tại Đại học Macquarie, Australia chia sẻ: “Người vợ lấy tinh trùng của chồng đã chết để thụ tinh nhân tạo. Người đã chết liệu có quyền có con theo cách này không?...Người vợ có được quyền làm như vậy mà không quan tâm đến ý muốn của chồng? Giả sử chồng không muốn thì sao. Quyền sinh con do mỗi cá nhân tự định đoạt”.
Một độc giả khác tên Hoàng cũng thắc mắc: “Đứa trẻ sinh ra sau thời điểm mở thừa kế (thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết), vậy đứa trẻ này có được quyền thừa kế hay không? Hiện nay Bộ luật dân sự hiện hành và các các văn bản hướng dẫn dường như chưa đề cập đến vấn đề mới này”.
Trao đổi với PV, luật sư Giang Văn Quyết, VPLS Tâm Hoàng Nghĩa cho biết đây là một vấn đề khá là mới. “Việc sinh con thành công bằng tinh trùng của người chồng đã chết nên xem là một tiến bộ khoa học ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự điều chỉnh. Bởi lẽ trong trường hợp người chồng không muốn mà người vợ nhờ bác sỹ và cố tình sinh con thì lại không phù hợp. Mặt khác việc sinh con sau như thế này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế, quyền khai sinh của đứa trẻ chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở quan hệ mẹ con”.
“Tôi đặt giả thiết nếu mẹ đứa trẻ muốn khai sinh cho con là tên người bố đã mất thì cơ quan tư pháp sẽ khai sinh như thế nào khi người bố đã có giấy chứng tử thời điểm khai sinh người bố đã chết. Đây rõ ràng là vấn đề pháp lý mới”, luật sư Giang Văn Quyết cho biết thêm.
Hai bé trai sinh đôi chào đời ngày 9/12 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nặng 2,4 kg và 2,9 kg. Mẹ hai bé là chị Kim D 33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm hy hữu này kể lại, tháng 3/2010, ông nhận được điện thoại của chị Dung muốn trữ tinh trùng của chồng, khi đó anh khoảng 27 tuổi, đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Nghĩ làm được nên ông cùng đồng nghiệp đến nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì mở bìu lấy tinh hoàn phải. Sau đó ông đem cắt thành 14 mẫu mô, kiểm tra vẫn thấy tinh trùng sống nên bỏ vào đông lạnh lưu trữ. Người chồng chết trước đó khoảng 6 giờ. Từ nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì, chị D đã nảy sinh ý định lưu giữ cái gì đó của chồng trên trần gian, làm gì đó để bù đắp những thiệt thòi và mong mỏi cho anh ấy, làm gì đó để giữ hình ảnh anh ấy bên mình. |
Chu Du