Pháp luật chứng khoán phái sinh nhìn từ các nước

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 6, 24/11/2023 14:44

Hệ thống pháp luật của các quốc gia xuất hiện nhiều chứng khoán phái sinh, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ có 4 loại chứng khoán phái sinh được phép tham gia giao dịch.

Sáng ngày 24/11, tại Hội thảo Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, chứng khoán phái sinh, công cụ phái sinh là những công cụ tài chính được sử dụng nhằm tạo sự thanh khoản thị trường.

Cùng với đó thúc đẩy hoạt động phát triển đầu tư nhờ chuyển hóa các nguồn tài chính đang đóng băng trong tài sản truyền thống sang một dạng tài sản có thể chuyển nhượng ngay thay vì chờ hết hợp đồng hạn tương lai hay đáo hạn trái phiếu, cổ phiếu và các công cụ tài chính kỳ hạn khác.

Trong hệ thống pháp luật của các quốc gia xuất hiện nhiều chứng khoán phái sinh do pháp luật ở các nước đó cho phép nhiều loại quyền tài sản tham gia các giao dịch tài chính.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ có 4 loại chứng khoán phái sinh được phép tham gia các giao dịch gồm: Hợp đồng chỉ số VN30; hợp đồng trái phiếu chính phủ; chứng quyền của các cổ phiếu; hợp đồng tương lai. Nhưng trên thực tế, hiện chủ yếu hợp đồng chỉ số VN30 và hợp đồng trái phiếu chính phủ tham gia giao dịch.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, tại nhiều quốc gia, chứng khoán phái sinh tồn tại ở hầu hết các tài sản với tư cách là tài sản cơ bản.

Đơn cử như ở Mỹ, pháp luật chứng khoán phái sinh xuất hiện khá sớm bắt đầu từ các hợp đồng tương lai, mà đối tượng giao dịch là sản phẩm nông nghiệp. Tại quốc gia này, chứng khoán phái sinh, giao dịch chứng khoán phái sinh được điều chỉnh bởi luật liên bang.

Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật chứng khoán phái sinh nhìn từ các nước

GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN phát biểu tại hội thảo.

Trong số các hàng hóa được pháp luật Mỹ coi là tài sản cơ bản dễ dàng nhận ra thuật ngữ sản phẩm. Sản phẩm được hiểu là những tài sản hữu hình, có giá trị và được sản xuất trong lĩnh vực khác nhau. Như vậy, hầu hết mọi thứ đều có thể là sản phẩm, bao gồm các phép tính toán học hoặc đo lường hiện tượng, dịch vụ và các tài sản vô hình hoặc dự phòng khác không thuộc điều khoản đó trong bất kỳ trường hợp nào bối cảnh thực tế khác.

Tại Trung Quốc, chứng khoán phái sinh là hiện tượng mới đối với quốc gia này nhưng nền kinh tế năng động và sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước này vào thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, cộng thêm sự kế thừa từ Hồng Kông nên Trung Quốc có sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực này.

“Trung Quốc ban hành Luật về Hợp đồng tương lai và Chứng khoán phái sinh năm 2022 để khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại trong các văn bản pháp luật hiện hành về chứng khoán nói chung và chứng khoán phái sinh nói riêng” – GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.

Tại Việt Nam, theo quy định: “Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai”.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ xác định có 3 loại chứng khoán phái sinh bao gồm: Hợp đồng quyền chọn, Hợp đồng tương lai, Hợp đồng kỳ hạn.

“Định nghĩa các loại chứng khoán phái sinh hiện tại khá đơn giản và chưa loại bỏ được yếu tố rủi ro của thị trường chứng khoán phái sinh khi giá trị của chứng khoán phái sinh rung và bản thân thị trường cũng rung lắc từng giờ” – GS.TS Lê Hồng Hạnh đánh giá.

Xét về nội dung điều chỉnh thì pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thể tạo được nền tảng cho việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.

“Luật Chứng khoán năm 2019 điều chỉnh thị trường chứng khoán truyền thống với chỉ 11 lần nhắc đến chứng khoán phái sinh, một lần nhắc đến thị trường chứng khoán phái sinh. Hầu như chưa có quy định cụ thể nào trong Luật Chứng khoán năm 2019 có thể tạo ra được đặc thù điều chỉnh loại chứng khoán phái sinh dù đó là hợp đồng tương lai, quyền chọn hay hợp đồng kỳ hạn” – GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại và toàn cầu hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng thì xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh là không thể cưỡng lại.

Đối với Việt Nam, chỉ đánh giá sơ bộ về phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán trong sự so sánh với một vài quốc gia đã cho thấy có sự lạc hậu quá nhiều.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.