Pháp luật nghiêm cấm dùng nhục hình trong hỏi cung

Pháp luật nghiêm cấm dùng nhục hình trong hỏi cung

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Trong vụ án con trâu bị chặt đứt đuôi ở thời nhà Nguyễn, bằng những công cụ nhục hình quan xử án Nguyễn Khoa Đăng đã tìm ra thủ phạm cắt đuôi trâu. Tuy nhiên, thời nay pháp luật nghiêm cấm việc dùng nhục hình trong hỏi cung.

Thời nhà Nguyễn (1802-1945) có một viên quan có tài xử đoán tên là Nguyễn Khoa Đăng. Ông là viên quan tốt, luôn luôn lo lắng đến việc giữ gìn cuộc sống yên vui cho dân lành. Ông đã đến trị nhậm ở hạt nào thì dân ở đấy mến phục, quý trọng như thần thánh. Tất cả các vụ kiện khi đã đến tay, dù khó đến đâu ông cũng tìm cách lần ra đầu mối và lần nào cũng giải quyết trọn vẹn. Dân miền Trung còn kể rất nhiều về tài xử kiện của ông.

Pháp luật - Pháp luật nghiêm cấm dùng nhục hình trong hỏi cung(Ảnh minh họa)

Khi Nguyễn Khoa Đăng làm tri huyện ở một huyện nọ, có người đến cáo với ông là mình có một con trâu bị ai đó lén chặt đứt mất đuôi, ông hỏi: "Anh có nghi cho ai không?". "Bẩm quan lớn, con cũng có ngờ cho một người hàng xóm vì trước đây hai nhà có chuyện tị hiềm". Nguyễn Khoa Đăng nghĩ ngợi một lát rồi nói nhỏ vào tai người ấy: "Ta cho phép anh về cứ lẳng lặng mổ thịt trâu mà ăn, đừng trình làng mà cũng đừng nói là quan bảo".

Phép nước bấy giờ rất nghiêm, ai tự tiện giết trâu, bò, thậm chí hàng xóm biết người giết trâu, bò mà không cáo giác cũng đều bị phạt nặng vì trâu, bò được xem là công cụ chính để sản xuất. Tên chặt trộm đuôi trâu thấy đây là cái cớ để hãm hại tiếp người mà hắn thù hằn nên vội vàng lên báo quan.

Quan sai giam hắn lại để tra hỏi. Trước những khí cụ nhục hình và các lời buộc tội đanh thép, sắc sảo của quan, hắn đành phải cúi đầu nhận tội. Kẻ cắt đuôi trâu bị giam vào ngục và phải đền cho người nông dân ấy một con trâu khác để cày cấy.

Luật nay: Phải căn cứ vào giá trị thiệt hại để định tội trộm cắp

Trong vụ án trên, bằng những công cụ nhục hình quan xử án Nguyễn Khoa Đăng đã tìm ra thủ phạm cắt đuôi trâu. Tuy nhiên, thời nay pháp luật nghiêm cấm việc dùng nhục hình trong hỏi cung. Với hành vi dùng nhục hình như vị quan Nguyễn Khoa Đăng thời xưa có thể buộc tội theo quy định của pháp luật thời nay.

Tại Điều 298 BLHS quy định về tội Dùng nhục hình: Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đồng thời, trong vụ án trên, người cắt đuôi trâu nếu đem ra xử theo quy định của pháp luật thời nay có thể sẽ không phải ngồi tù Theo luật hiện hành, muốn xử lý được tội Trộm cắp tài sản thì phải căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại.

Điều 138 BLHS ghi: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm.

Tường Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.