Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận đặc quyền của báo chí trong việc bảo vệ nguồn tin bằng các quy định pháp luật, thậm chí đặc quyền đó của các nhà báo còn được đưa vào Hiến pháp.
Hiến pháp Palau là một trong những nước đi đầu trong việc ghi nhận quyền bảo mật nguồn tin báo chí bằng việc quy định: “Không phóng viên hợp pháp nào buộc phải tiết lộ thông tin theo yêu cầu của chính phủ hay bị bỏ tù vì từ chối không tiết lộ thông tin có được trong quá trình điều tra tác nghiệp”.
Ở Nhật Bản, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lấy thông tin cũng như công bố tin tức được ghi nhận tại Điều 21 của Hiến pháp. Và Tòa án Nhật Bản được phép viện dẫn Điều 21 để qui định về đặc quyền của nhà báo. Một số nước khác như Mêhicô, Inđônêxia, Môdămbích, Thổ Nhĩ Kì đã thông qua các đạo luật cho phép các nhà báo có quyền tuyệt đối trong việc bảo vệ các nguồn tin của họ.
Wisut Tangwitthayaporn, chủ biên tờ Inside Phuket đồng thời là BTV trang Phuket E-news bị hai tay súng bắn hạ ngay trên phố. Ảnh: TTO
Luật Tự do Báo chí của Thụy Điển, là một phần trong Hiến pháp quốc gia, cũng đã dành các đặc quyền lớn cho các nhà báo. Ở Thụy Điển một nhà báo làm lộ danh tính nguồn tin khi không được phép của nguồn tin đó có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Điều đó cũng có nghĩa nhà báo có quyền bảo vệ nguồn tin của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn tin bị nghi là gián điệp hoặc mang tội phản quốc hoặc khi một bị cáo chỉ ra rằng nguồn tin được tìm kiếm rất quan trọng đối với việc bào chữa trong một vụ án hình sự thì nhà báo phải cung cấp thông tin về nguồn tin ấy.
Các Tòa án của Canada cũng viện dẫn Hiến chương về các Quyền và Tự do của Canađa để công nhận quyền bảo mật nguồn tin là một phần quan trọng trong tự do ngôn luận và việc tiết lộ nguồn tin mật của các nhà báo có thể làm nhụt chí những nguồn tin tiềm năng khác, những người mà vì lí do này hay lí do khác, cần giữ kín danh tính của họ. Và nhà báo, phóng viên chỉ phải tiết lộ nguồn tin khi không còn phương cách nào khác hoặc khi việc giữ bí mật nguồn tin có thể đe dọa đến các quyền quan trọng khác của công chúng.
Ở Việt Nam đặc quyền của nhà báo cũng được ghi nhận tại Điều 7 Luật báo chí. Theo đó, "báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”
Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng. Việc bảo vệ nguồn tin cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện vai trò đó. Nếu không có sự bảo vệ, các nguồn tin có thể e ngại không giúp đỡ báo chí trong việc đưa tin đến công chúng về những vấn đề công chúng quan tâm.
Việc quy định quyền bảo vệ nguồn tin như Luật Báo chí hiện hành là hết sức thiết thực, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với đạo đức truyền thống của người làm báo.
Trả lời trên Cổng thông tin điện tử tới cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Bộ Công an cho biết để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng chánh án Tòa án nhân dân, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều 7 Luật báo chí: ”Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. |
Băng Tâm