Tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa diễn ra tại NewYork (Mỹ), Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến cuộc xung đột đang ngày càng leo thang tại Mali.
Ông thậm chí còn kêu gọi Hội đồng Bảo an ra nghị quyết mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia này nhằm chấm dứt xung đột.
Trẻ em cầm súng là hình ảnh dễ bắt gặp tại Mali khi cuộc xung đột leo thang
Mali, quốc gia Tây Phi đang sa vào một cuộc nội chiến khốc liệt giữa các phe phái kể từ tháng Ba năm nay, khi một cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 22/3 khiến Tổng thống nước này, Amadou Toumani Toure, bị lật đổ. Nhóm ly khai Tuareg thuộc Phong trào Giải phóng Quốc gia Azawad (MNLA) lợi dụng tình hình rối ren của cuộc đảo chính đã tuyên bố độc lập ở phía Bắc.
Nhưng các nhóm vũ trang Ansar Dine và một chi nhánh địa phương của Al-Qaeda thuộc Phong trào Thống nhất và Thánh chiến Tây Phi (MUJAO) lại coi đây là căn cứ của mình nên đã tấn công lại MNLA.
MNLA cáo buộc quân đội Chính phủ đã giết hại 16 thường dân khi tấn công thị trấn Gao do họ nắm quyền kiểm soát. Trong khi đó, MUJAO cũng vừa ra tay giết hại 7 nhà ngoại giao Algeria tại khu vực phía Bắc. Còn MNLA thì bị cáo buộc đã áp dụng các luật lệ Hồi giáo hà khắc như bắt giữ và đánh đập phụ nữ ra đường không đeo mạng che mặt, đốt cháy các giáo đường thuộc nhánh tôn giáo khác và ép buộc trẻ em làm binh lính.
Hiện, nhóm ly khai Tuaregs thế tục đã tuyên bố thành lập một Nhà nước độc lập với tên gọi Azawad tại phía Bắc, chiếm cứ hơn 50% lãnh thổ Mali. Quân đội Chính phủ kiểm soát các tỉnh phía Nam còn MUJAO thì hoạt động đan xen giữa hai khu vực này.
Trước nguy cơ cuộc xung đột có thể lan rộng sang các quốc gia láng giềng, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã thống nhất sẽ gửi quân đến hỗ trợ Chính phủ Mali đè bẹp hai thế lực nổi dậy MUJAO và MNLA. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Tổng thư ký LHQ Bankimun đã tỏ ra thận trọng trước lời kêu gọi can thiệp quân sự từ phía Pháp. Ông cho rằng, các biện pháp thương lượng ngoại giao cần được coi là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Các nước lớn như Mỹ và các thành viên NATO, Nga, Trung Quốc dù không phản đối nhưng cũng chưa lên tiếng ủng hộ giải pháp quân sự.
Dự kiến, trong tháng Mười, một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Mali sẽ được tổ chức và Pháp đang nỗ lực vận động cho việc tiến hành một chiến dịch quân sự tại đây.
Nội chiến sắc tộc và tôn giáo Với dân số chỉ khoảng 11 triệu người nhưng lại bao gồm rất nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau, từ khi cuộc xung đột nổ ra, đã có hàng nghìn binh lính của các bên tham chiến và dân thường Mali bị thiệt mạng. Tình trạng tồi tệ nhất là tại khu vực miền Bắc do quân Hồi giáo ly khai kiểm soát. Cướp bóc, hãm hiếp, đốt phá, trả thù khiến Tổ chức Ân xá thế giới gọi đây là thảm họa nhân đạo. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết hơn 200.000 người đã phải đi sơ tán, và hiện hàng ngày đang có khoảng 400 người vượt qua biên giới sang lánh nạn tại các nước láng giềng như Burkina Faso hay Mauritania. |
T.T