Theo AFP, Pháp đã nâng mức độ nguy cơ cúm gia cầm lên mức “cao” vào ngày 5/12 sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh mới, buộc các trang trại phải nhốt gia cầm để ngăn chặn loại vi rút rất dễ lây lan này. Mức độ báo động "cao" ngụ ý rằng tất cả gia cầm phải được nhốt trong trang trại và thực hiện các biện pháp an ninh bổ sung để tránh lây lan dịch bệnh.
Trong những năm gần đây, dịch cúm gia cầm đã khiến hàng trăm triệu con gia cầm trên toàn thế giới bị tiêu hủy. Dịch bệnh thường tấn công vào mùa thu đông và đã lan rộng ở nhiều nước châu Âu trong những tuần qua, bao gồm Đức, Hà Lan và Bỉ.
Tuần trước, Pháp cho biết họ đã phát hiện đợt bùng phát cúm gia cầm đầu tiên tại một trang trại ở Brittany, phía Tây Bắc đất nước.
Trước đó, Đức hôm 1/12 cũng báo cáo rằng 11.500 con gà tây đã phải tiêu hủy sau khi chính quyền nước này phát hiện một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm độc lực cao tại một trang trại ở bang Brandenburg.
Tại Hà Lan, các đợt bùng phát cúm gia cầm đã được phát hiện tại một trang trại gà đẻ, khiến khoảng 110.000 con gà phải tiêu hủy và tại một vườn thú cưng, nơi khoảng 90 con chim có nguy cơ lây lan vi rút cũng đã bị tiêu hủy.
Mặc dù cúm gia cầm vô hại trong thực phẩm nhưng sự lây lan của nó là mối lo ngại đối với các chính phủ và ngành chăn nuôi gia cầm do sự tàn phá mà nó có thể gây ra cho đàn gia cầm, khả năng bị hạn chế thương mại và nguy cơ lây truyền sang người.
Trong một báo cáo vào tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý rằng kể từ tháng 12/2021, có 8 trường hợp ở người nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đã được báo cáo. Những trường hợp nhiễm virus cúm gia gia cầm này được cho là do tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh và môi trường bị ô nhiễm.
Giám đốc Dịch bệnh và đại dịch của WHO, Tiến sĩ Sylvie Briand cho biết: "Với thông tin có sẵn cho đến nay, virus dường như không thể truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng, nhưng cần phải cảnh giác để xác định bất kỳ sự tiến hóa nào của virus có thể thay đổi điều đó, từ đó có sự chuẩn bị và phòng ngừa".
Minh Hoa (t/h theo Hà Nội mới, VTV)