Pháp vừa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong khả năng phòng thủ của mình bằng việc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh ASMPA được cải tiến, gọi là ASMPA-Rccó khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu công bố trên mạng xã hội X/Twitter hôm 22/5.
Trong một tuyên bố trên X, ông Lecornu xác nhận rằng một máy bay chiến đấu Rafale chiến lược của Không quân Pháp đã hoàn thành vụ phóng thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa ASMPA-R.
“Máy bay chiến đấu Rafale của Lực lượng Không quân chiến lược vừa thực hiện thành công vụ phóng thử đầu tiên đối với tên lửa hạt nhân siêu thanh ASMPA-R không mang theo đầu đạn”, Bộ trưởng Lecornu cho biết.
Vụ thử tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân này là một phần của cuộc tập trận quân sự Durandal, diễn ra từ ngày 13/5 đến ngày 14/6. Ông Lecornu nhấn mạnh rằng vụ phóng thành công nhấn mạnh độ tin cậy của khả năng răn đe hạt nhân của Pháp.
Cuộc thử nghiệm “cụ thể hóa các nhiệm vụ được đặt ra trong luật kế hoạch quân sự liên quan đến lực lượng răn đe hạt nhân”, vị quan chức Pháp nêu rõ.
Luật kế hoạch quân sự của Pháp dự kiến phân bổ 16 tỷ Euro cho đến năm 2030 để bổ sung kho dự trữ đạn dược, 5 tỷ Euro để mua máy bay không người lái và 5 tỷ Euro cho hoạt động tình báo.
Cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch chi khoảng 13% ngân sách quân sự trong những năm tới cho năng lực hạt nhân độc lập của mình, bao gồm cả việc nâng cấp các tên lửa phóng từ trên không thế hệ tiếp theo vào năm 2035.
Đáng chú ý, vụ thử tên lửa ASMPA-R hôm 22/5 của Pháp diễn ra một ngày sau khi Nga tuyên bố bắt đầu các cuộc tập trận hạt nhân ở Quân khu phía Nam, có trụ sở tại Rostov-on-Don, cách biên giới với Ukraine chỉ khoảng 60 km, tập trung vào việc chuẩn bị và triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc diễn tập này nhằm mục đích “duy trì sự sẵn sàng về nhân sự và trang thiết bị của các đơn vị triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược nhằm đáp trả các hành động khiêu khích và đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga”.
Thông báo về cuộc tập trận của Moscow dường như một phần nhằm vào Paris sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine.
Chỉ vài ngày sau khi khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Đầu năm 2023, người đứng đầu Điện Kremlin đã đình chỉ việc Nga tham gia hiệp ước New START với Mỹ và tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Minh Đức (Theo Dagens, The Guardian, TASS)