Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne mới đây cho biết sẽ quốc hữu hóa hoàn toàn tập đoàn điện lực EDF (EDF.PA). Động thái này giúp Chính phủ kiểm soát nhiều hơn việc tái cấu trúc tập đoàn đang ôm gánh nợ chồng chất, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang diễn ra.
Nhà nước đã sở hữu 84% cổ phần của EDF, là một trong những hãng điện lực lớn nhất châu Âu. Các lò phản ứng hạt nhân của hãng thường xuất khẩu lượng đáng kể điện giá rẻ sang thị trường châu Âu, giúp ổn định lưới điện khu vực. Nhưng kể từ khi EDF đóng cửa các lò phản ứng vì vấn đề ăn mòn, Pháp đã thường xuyên phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.
Thủ tướng Elisabeth Borne phát biểu tại Hạ viện Pháp: "Tôi xác nhận rằng nhà nước dự định kiểm soát 100% vốn của EDF. Chúng ta cần đảm bảo chủ quyền của mình khi đối mặt với tác động của xung đột ở Ukraine và những thách thức to lớn đang rình rập".
Thủ tướng Borne đã không nêu rõ việc quốc hữu hóa sẽ được thực hiện thông qua luật đặc biệt hay thông qua đấu thầu công khai. Bà cũng không đưa ra khung thời gian.
Tập đoàn này EDF đã bị ảnh hưởng bởi động thái Chính phủ Pháp áp đặt giới hạn giá bán lẻ điện nhưng không cho phép hãng chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Một số lò phản ứng cũ của EDF hiện gặp phải vấn đề ăn mòn, khiến tập đoàn cắt giảm sản lượng hạt nhân vào thời điểm châu Âu đang tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Những vấn đề đó buộc EDF phải mua một lượng lớn điện trên thị trường bán buôn, nơi giá đã tăng vọt và bán nó ở mức lỗ.
EDF cho biết những tổn thất về sản lượng sẽ làm lợi nhuận giảm 18,5 tỷ Euro trong năm nay, việc giới hạn giá bán điện dự báo cũng khiến tập đoàn mất thêm 10,2 tỷ Euro. Nợ của tập đoàn dự kiến tăng 40% trong năm nay lên hơn 61 tỷ Euro. Bên cạnh đó, các lò phản ứng hạt nhân mới theo kế hoạch của EDF đòi hỏi khoản đầu tư hơn 50 tỷ Euro.
EDF được niêm yết trên thị trường chứng khoán Paris vào năm 2005 với mức giá 33 Euro/cổ phiếu. Hôm 6/7, cổ phiếu của tập đoàn đóng cửa ở mức dưới 9 Euro, tăng 14,5% sau thông báo của Thủ tướng Borne.
Theo hãng tin Reuters, quyết định trên của Pháp cho thấy các Chính phủ châu Âu đang thực hiện những biện pháp ngày càng cứng rắn để kiểm soát thị trường năng lượng, trong bối cảnh giá cả tăng cao và nguồn cung năng lượng từ Nga bị giảm.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, WSJ, Bloomberg)