Pharmacity: Từ chuỗi nhà thuốc tiên phong thành “kẻ lép vế”

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 7, 17/08/2024 09:06

Từng là hiện tượng khi mở rộng hệ thống phân phối với cấp số nhân, song Pharmacity cũng đối mặt với không ít khó khăn khi "lạc đường". Trước tình hình đó, chuỗi bán lẻ dược phẩm đã có những bước đi mới để tái định vị chiến lược, thế nhưng liệu có lấy lại được vị thế?

Pharmacity được thành lập từ tháng 11/2011 với vốn điều lệ ban đầu 7 tỷ đồng, đây được xem là thương hiệu tiên phong trong việc mở rộng của các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam.

Lợi thế dẫn đầu đã giúp Pharmacity liên tục mở rộng quy mô trên khắp cả nước. Thời kỳ hưng thịnh, Pharmacity từng sở hữu số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, với quy mô lên tới 1.100 cơ sở, bỏ xa những đối thủ khác trên thị trường. Pharmacity sau đó trở thành hiện tượng khi mở rộng hệ thống phân phối với cấp số nhân.

Song song, nội lực của công ty cũng liên tục được củng cố, khi vốn điều lệ tăng từ 37 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng vào cuối năm 2018, tiếp tục mở rộng lên 386,4 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2019.

Để phục vụ cho tham vọng của mình, Pharmacity còn đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính trong thời gian ngắn.

Trong 3 tháng cuối năm 2019, Pharmacity đã phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với mục đích mở rộng mạng lưới bán lẻ. Lãi suất phát hành khá cao, với 13%/năm trong kỳ hạn 2 năm.

Trước thời điểm phát hành trái phiếu, vào tháng 5/2019 quỹ Mekong Enterprise Fund III đã công bố hỗ trợ tài chính cho Pharmacity nhưng không cho biết cụ thể quỹ đầu tư sẽ "hỗ trợ" thông qua việc góp vốn hay tài trợ tín dụng. Đầu năm 2020, nhà phân phối dược phẩm này công bố nhận được thêm khoản đầu tư 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng).

"Vị đắng" của Pharmacity

Tưởng chừng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường với tốc độ mở rộng thần tốc đó, nhưng từ cuối năm 2021, Pharmacity bắt đầu có dấu hiệu chững lại với hàng loạt vấn đề bất ổn từ việc định giá bán sản phẩm chưa cạnh tranh với thị trường, đến việc không đảm bảo được lượng hàng hóa tại nhà thuốc đủ để đáp ứng nhu cầu người dân.

Chiến lược mở rộng thần tốc ngày nào đã buộc phải hủy bỏ, quy mô cửa hàng của Pharmacity ngày càng thu hẹp.

Trái ngược với sự ảm đạm của Pharmacity, đối thủ FPT Long Châu lại cho thấy tốc độ phát triển vượt bậc từ giai đoạn 2021. Năm 2021 cũng đánh dấu sự hoán đổi vị trí doanh thu giữa 2 chuỗi cửa hàng thuốc lớn nhất thị trường.

Theo đó, Long Châu ghi nhận doanh thu 3.977 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2020 và vượt qua con số 3.618 tỷ đồng của Pharmacity. Quan trọng hơn, Long Châu đã có lãi trong khi Pharmacity tiếp tục lỗ 363 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng.

Từ năm 2021 trở đi, Pharmacity đã không còn công bố kết quả kinh doanh nhưng dễ nhận thấy sự bành trướng, thừa thắng xông lên của Long Châu. Thời điểm cuối tháng 6/2024, mạng lưới của Long Châu có 1.706 nhà thuốc, tăng 209 cửa hàng so với đầu năm. Doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, cùng thời điểm thì quy mô của Pharmacity chỉ còn 900 cơ sở, thu hẹp khoảng 300 cơ sở so với hồi đỉnh vào tháng 8/2002. Doanh thu mới nhất không được Pharmacity cập nhật, nhưng lần cập nhật gần nhất là vào quý I/2022 với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc khoảng 600 triệu đồng/tháng. Đáng nói, thời điểm đó FPT Long Châu lại ghi nhận doanh thu trung bình khoảng 1,4 tỷ đồng/nhà thuốc/tháng.

Một điểm khác biệt lớn của hai chuỗi trên còn nằm ở cấu trúc danh mục sản phẩm. Trong khi Long Châu có định hướng giống nhà thuốc nhất với tỉ trọng thuốc và thực phẩm chức năng chiếm đến 70-80%, thì Pharmacity thiên về tính tiện lợi hơn với tỉ trọng thuốc khoảng 27-40%.

"Liều thuốc" nào cho Pharmacity?

Chỉ 18 tháng đã khiến cho Pharmacity từ người tiên phong trên thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm, trở thành kẻ lép vế trước một đối thủ sinh sau đẻ muộn.

Trước tình hình này, Pharmacity đã có những bước đi mới để lấy lại vị thế. Trên website của Pharmacity, thương hiệu này đã chia sẻ rằng sẽ định hình lại hoạt động kinh doanh của mình xoay quanh chiến lược cung cấp đủ thuốc, dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân với mức giá cạnh tranh.

Sau nhiều năm gồng lỗ với mô hình "nhà thuốc tiện lợi", Pharmacity đã đi đến quyết định từ bỏ mô hình này, thay thế bằng việc tăng cường sản phẩm thuốc kê đơn sẽ phù hợp hơn với hành vi tiêu thụ dược phẩm của người tiêu dùng Việt Nam.

Pharmacity: Từ chuỗi nhà thuốc tiên phong thành “kẻ lép vế”- Ảnh 2.

Pharmacity định hướng sẽ trở thành "nhà cung cấp thuốc cho mọi nhóm bệnh".

Cùng với sự thay đổi về mô hình nhà thuốc, Pharmacity chia sẻ chiến lược sản phẩm cũng sẽ được làm mới. Trước đây, "thuốc kê đơn" là một trong những điểm yếu lớn nhất của Pharmacity so với những đối thủ khác trên thị trường.

Thời gian tới, Pharmacity định hướng sẽ trở thành "nhà cung cấp thuốc cho mọi nhóm bệnh". Cụ thể, Pharmacity sẽ sớm mở rộng danh mục thuốc của mình, khả năng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn sẽ được bổ sung đa dạng chủng loại hơn.

Thế nhưng, các chi nhánh của Pharmacity cũng liên tiếp gặp rắc rối với chiến lược này trong thời gian gần đây.

Liên tục bị "tuýt còi" vì chiến lược mới

Gần nhất, vào đầu tháng 8/2024 chi nhánh Pharmacity số 233-233A Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội đã bị Thanh tra Sở Y tế đã ban hành quyết định xử phạt 30 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Trong tháng 4/2023, Nhà thuốc Pharmacity số 566 tại Hà Nội (địa chỉ 72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội) cũng bị xử phạt 30 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Theo thông báo số 81 ngày 02/10/2023 của Thanh tra y tế thuộc Sở Y tế Hải Phòng, Nhà thuốc Pharmacity 672 có địa chỉ tại 70 Văn Cao, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng và nhà thuốc Pharmacity 876 có địa chỉ tại 22 Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm bán thuốc kê đơn khi không có đơn, mỗi nhà thuốc bị xử phạt số tiền là 30 triệu đồng.

Trước đó, trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính của Sở Y tế Tp.HCM từ ngày 14/4/2022 đến ngày 26/4/2022, Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity (số 248A đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) cũng bị phạt 30 triệu đồng với lỗi tương tự.

Ngoài ra, ngày 16/5/2022, Nhà thuốc Pharmacity số 570 (địa chỉ Số 6-NV1 khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Bệnh viện 103, Học viện Quân y, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Tp.Hà Nội) bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 03-7750 do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020; Giấy chứng nhận GPP số 7750 do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020 do không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Hành vi bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn thuốc được quy định xử phạt theo điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117 với mức phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Cũng theo điểm đ khoản 8 Điều 59 của nghị định này quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi nói trên là: Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i khoản 3 và điểm c khoản 5 điều này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.