Cụ thể, Khoản 7, Điều 7 Luật CCCD 2014 quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước công dân; sử dụng thẻ căn cước công dân giả.
Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Như vậy, người mượn và cho mượn căn cước công dân có thể bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước từ 1/7/2024
Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ 1/7/2024, chính thức đổi tên gọi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Ngoài tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước (TCC) cũng được đổi mới so với thẻ CCCD hiện nay. Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".
TCC sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Đặc biệt, luật Căn cước quy định cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin; trong số này có nhân dạng, sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội, công an, cơ yếu)…
Với quy định mới, bên cạnh việc thu thập vân tay như lâu nay, luật Căn cước đã bổ sung việc thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay (người khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Riêng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập. Một là khi người dân tự nguyện cung cấp; hai là từ sự chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Vẫn theo quy định tại luật Căn cước, mọi công dân Việt Nam đều được cấp TCC (thay vì chỉ áp dụng với người từ đủ 14 tuổi trở lên như luật CCCD 2014). Việc cấp TCC cho trẻ em dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Về quy trình cấp, trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học, để làm thủ tục cấp thẻ.
Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp có thể thực hiện thủ tục cấp TCC thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp này, cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.
Một nội dung mới nữa tại luật Căn cước, đó là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước (CNCC). Giấy CNCC có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Để làm thủ tục cấp giấy CNCC, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh nơi mình đang sinh sống.
Minh Hoa (t/h)