Chiều 16/6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, tổ chức Lễ phát động hưởng ứng cuộc thi Giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” ở khu vực Bắc miền Trung.
Phát biểu tại lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc thi không chỉ khẳng định vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế hiểu thêm về thảm họa da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc khắc phục hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người từ khi kết thúc chiến tranh đến nay.
“Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh tàn khốc này. Đó là một thực tế khiến mỗi chúng ta đau đớn, day dứt. Hiện thực đó chính là đề tài cho các nhà văn, nhà báo, các CTV khai thác, phản ánh. Thông qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng chia sẻ, chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa, để họ có thêm sự động viên về vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ thêm.
Theo Ban tổ chức, đây là một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021). Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, gây nên thảm họa khủng khiếp cho sức khỏe con người và môi trường của Việt Nam. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 30.000 đối tượng nhiễm chất dộc da cam.
Đa số các nạn nhân chất độc da cam đều gặp những hoàn cảnh éo le và đặc biệt khó khăn. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ, hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật, đời sống thực vật; nhiều gia đình có từ 2 đến 4 người là nạn nhân. Do bệnh tật, dẫn đến đói nghèo nên nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Các thể loại và loại hình báo chí được xét trao thưởng gồm: báo in, báo điện tử với các thể loại phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra. Các tác phẩm dự giải phải đảm bảo tính khách quan, chân thực, không hư cấu.
Các tác phẩm báo chí tham dự giải có dung lượng không quá 1.500 từ, được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến 30/3/2021. Thời gian nhận tác phẩm dự giải từ ngày 1/1/2021 đến 30/3/2021, tại địa chỉ: Tạp chí Da cam Việt Nam, số 35 đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội. Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm.
Cơ cấu giải thưởng cuộc thi gồm 58 giải, trong đó: 3 giải A, mỗi giải 15 triệu đồng; 5 giải B, mỗi giải 10 triệu đồng; 10 giải C, mỗi giải 5 triệu đồng; 40 giải Khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng.