Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì buổi lễ.
Buổi lễ được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp trực tuyến hai điểm cầu truyền hình tại Tp.Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh.
Cuộc thi tổ chức để chọn mẫu biểu trưng "Chuyển đổi số quốc gia" nhằm thống nhất sử dụng trong toàn bộ các hoạt động của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi nhận thức, vì thế cuộc thi cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tìm hiểu, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước. Nghệ thuật là sáng tạo, không gò bó, không giới hạn.
Tuy nhiên, để có một số chất liệu cho quá trình sáng tác, Thứ trưởng đã chia sẻ một vài gợi ý ban đầu về việc sáng tác biểu trưng. Đồng thời đưa ra lời khuyên với những tác phẩm dự thi, hãy bắt đầu mọi thứ từ chính giao điểm của chuyển đổi số và nghệ thuật – với triết lý “vị nhân sinh”.
"Hãy nhìn và cảm nhận về chuyển đổi số từ chính góc nhìn của nghệ thuật và bằng chính sự rung động của một người làm nghệ thuật, để có thể thăng hoa với tác phẩm của mình", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Theo ban tổ chức, ngoài gợi ý về nội dung được Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, biểu trưng phải gắn với dòng chữ “Chuyển đổi số quốc gia”.
Các tác phẩm dự thi cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật như logo có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.
Màu sắc của logo không quá 4 màu, phù hợp in ấn, phóng to, thu nhỏ, chạm khắc, đắp nổi trên các vật phẩm, chất liệu khác nhau và đảm bảo độ phân giải cao, sắc nét, tương thích khi thể hiện dưới định dạng số và trên các môi trường số.
Logo phải đạt được những yêu cầu về vẽ thiết kế như đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa…).
Tác phẩm thể hiện trên một trang giấy trắng khổ A4. Mặt trước của trang giấy A4 là logo được in màu, kích cỡ mỗi chiều không quá 15cm đặt giữa trang giấy; phía dưới, bên phải của trang giấy là logo thu nhỏ được in đen trắng, kích cỡ mỗi chiều không quá 3cm. Mặt sau của trang giấy A4, tác giả ghi mã số tự chọn gồm 5 chữ số…
Mỗi tác giả có thể gửi 1 đến 5 tác phẩm tham gia cuộc thi. Mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng, không trùng mã số với tác phẩm khác.
Thời gian nhận hồ sơ dự thi sẽ bắt đầu từ ngày 5/7 và kết thúc vào ngày 5/9. Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi là Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tác phẩm đoạt giải sẽ nhận được phần tiền thưởng là 100 triệu đồng. Tác giả, đơn vị đạt giải sẽ được cấp giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Hà Nội.