Quả thật, nếu “tình yêu là bát bún riêu” thì chắc hẳn thi sĩ Xuân Diệu phải có khả năng tiên tri đại tài khi 80 năm trước, ông đã viết nên những vần thơ bất hủ: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”.
Bởi giờ đây, món bún riêu có khác gì thuốc độc? Từ sợi bún tẩm chất tẩy trắng; riêu cua với thành phần chính là đậu phụ nghiền nát trộn chất tạo màu, tạo hương; nước dùng pha đầy bột sắt và mì chính Tàu để vừa vàng ruộm bắt mắt lại vừa có vị đậm đà.
Cứ tưởng rằng những thứ độc hại, hóa chất chỉ “ghé thăm” hoặc “thay mặt” những thành phần, nguyên liệu chính, đắt đỏ để giảm bớt chi phí sản xuất, đầu tư cho những kẻ nhẫn tâm. Nhưng nay, đến cả những thứ ăn kèm có giá thành vô cùng rẻ như bắp chuối bào cũng nhuốm mùi thuốc độc.
Mới đây, hàng loạt cơ sở sản xuất chuối bào tại TP. HCM đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và “bắt quả tang” khi đang “tắm trắng”, “trang điểm” cho sản phẩm của mình bằng hàn the và thuốc tẩy. Đáng nói, chỉ trong một lần “đột kích” mà các cơ quan chức năng đã thu giữ gần 2 tấn chuối bào ngâm hóa chất đang chuẩn bị xuất ra thị trường.
Đương nhiên, kèm theo thông tin đó luôn là những bình luận hết sức bất bình, phẫn nộ của độc giả. Không phẫn nộ sao được khi những thứ mà chúng ta ăn hàng ngày lại ngâm đầy thuốc độc? Không phẫn nộ sao được khi sức khỏe là vốn quý nhất của con người lại bị đánh đổi một cách rẻ mạt để lấy vài đồng lợi nhuận.
Nhưng suy đi cũng phải nghĩ lại, có “cầu” thì mới có “cung”. Chính thói quen ưa thích lựa chọn những thứ đẹp đẽ, bóng bẩy, bắt mắt đã vô tình đẩy người tiêu dùng vào “con đường hóa chất”.
Thử hỏi nếu chúng ta có 2 sự lựa chọn: Một là những gánh rau củ quả bóng bẩy, xanh mơn mởn, những khay chuối bào trắng phau, tươi rói và một là những mớ rau, những chồng chuối héo hon, sâu úa, bầm dập thì chúng ta sẽ lựa chọn “ngã” vào khu nào? Chắc hẳn sẽ chẳng có ai chọn những thứ xấu xí, héo hon.
Và hệ lụy nhãn tiền của việc “ham đẹp” đó chính là các cơ sở sản xuất, trồng trọt đều “tích cực trang điểm” cho sản phẩm của mình để thu hút thị trường, thu hút lợi nhuận. Hiển nhiên, ai cũng sẽ chọn việc “nhẹ nhàng” và “dễ dàng” bằng cách mượn bàn tay của hóa chất.
Chính tâm lý “thích đánh giá ngoại hình” như vậy nên bao chuyện bi hài liên quan đến thực phẩm đã xảy ra. Người ta phun thuốc trừ sâu rồi đến khi gần thu hoạch, người ta lại thả sâu vào cho sâu ăn; lấy chổi quét để lá rách cho giống… rau sạch. Và đến cuối cùng thì “bẩn vẫn hoàn bẩn”.
Xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn không phải là việc một sáng, một chiều. Đó cũng không phải nhiệm vụ riêng của những cơ quan chức năng. Mà chính người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, bảo vệ những bữa cơm của gia đình mình bằng cách trở thành người tiêu dùng thông thái.
Khi “cầu” không còn thì ắt “cung” sẽ tự tiêu biến. Vậy nên đừng than trách cơ quan chức năng không xử lý triệt để tình trạng thực phẩm bẩn, đừng than trách những chủ cơ sở sản xuất “độc ác”, “tham lam”. Hãy than trách chính nhu cầu của bản thân mình khi đã vô tình khiến cho “cung” phát triển.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả