Tối 21/7, TP.HCM họp báo về phòng chống dịch Covid-19. Trong buổi làm việc, lãnh đạo sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) TP.HCM cho biết, đơn vị đang quản lý 12 trung tâm cai nghiện ma túy với khoảng 14 nghìn người chấp hành cai nghiện ma túy bắt buộc.
Vào 21h ngày 17/7, tại cơ sở Bố Lá tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương phát hiện 2 nhân viên có hiện tượng sốt, ho nên được test nhanh, kết quả cho thấy dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng 18/7, y tế địa phương huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 607 đối tượng cai nghiện và 82 nhân viên. Kết quả ngày 20/7 cho thấy, có 450 đối tượng cai nghiện và 56 nhân viên dương tính với Covid-19.
Sở LĐ,TB&XH TP.HCM đã phối hợp cơ quan chức năng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để theo dõi tình hình. Cụ thể, 450 đối tượng cai nghiện được phân thành 4 khu, còn 56 nhân viên ở riêng 1 khu vực.
Như vậy, 26 nhân viên âm tính sẽ phục vụ cho 156 đối tượng âm tính. Còn 56 nhân viên dương tính phục vụ cho 450 đối tượng dương tính.
Giám đốc sở LĐ,TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho hay: “Chúng tôi đã nỗ lực phối hợp sở Y tế tỉnh Bình Dương nhưng địa phương không đủ sức nên TP.HCM phải đảm trách”.
Trong thời gian nhanh nhất, sở Y tế TP.HCM sẽ cử đoàn công tác để thực hiện kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân tại đây.
Nếu các đối tượng cai nghiện là F0 mà chuyển nặng thì sẽ được chuyển qua bệnh viện Nhân Ái (bệnh viện dã chiến với 100 giường điều trị) tại tỉnh Bình Phước.
Còn nhân viên trung tâm cai nghiện nếu chuyển nặng sẽ được chuyển đến cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương hoặc về bệnh viện Đa khoa Củ Chi, TP.HCM.
“Ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực tối đa để chữa trị cho các đối tượng cai nghiện và nhân viên trung tâm. Chúng tôi đang đề xuất UBND TP.HCM tăng tiền bữa ăn cho họ lên 80.000 đồng/người/ngày theo quy định”, Giám đốc sở LĐ,TB&XH TP.HCM nói.
Nói về nguyên nhân lây nhiễm Covid-19 tại trung tâm cai nghiện, ông Tấn khẳng định, cơ quan đã tổ chức vận hành, làm việc theo quy định.
Số lao động gián tiếp chỉ còn 1/3, nhóm 2/3 còn lại đã làm việc ở nhà. Nhân viên trực tiếp làm việc trong trung tâm cai nghiên phải ở lại 100% để phục vụ công việc đặc thù.
Công việc tổ chức làm theo ca kíp, hết ca sẽ thay người nhưng vẫn đảm bảo 5K. Nhưng chủng virus Delta lây lan rất nhanh nên có thể lây bệnh từ cộng đồng vào trung tâm cai nghiện.
“Điều trị cho đối tượng cai nghiện sẽ khó khăn hơn với người bình thường. Nhưng dù sao đi nữa, nhóm đối tượng này là cai nghiện bắt buộc theo luật xử lý hành chính nên vẫn còn đủ quyền công dân”, ông Tấn đánh giá.
Rút kinh nghiệm của cơ sở Bố Lá, sở LĐ,TB&XH TP.HCM yêu cầu các nhân viên tại các trung tâm, cơ sở khác sẽ không về nhà để tránh mang mầm bệnh lây nhiễm vào.
Trung tâm cai nghiện ma túy Bố Lá là đơn vị trực thuộc sở LĐ,TB&XH TP.HCM, đóng trên địa bàn ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Đơn vị này có chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục học viên cai nghiện ma túy có tiền án đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng thường xuyên gây mất an ninh trật tự tại địa phương và người đang cai nghiện vi phạm kỷ luật nghiêm trọng từ các cơ sở cai nghiện khác của TP.HCM chuyển về.
Cơ sở có 5 phòng chuyên môn; 89 viên chức, người lao động (hiện tại có 7 người đang ở nhà làm việc, không vào cơ quan) và quản lý 635 học viên.