Ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn kinh tế Mekong Economics, nói rằng chính quyền đang mạnh tay hơn với những vụ tham nhũng quy mô lớn trong nỗ lực tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Theo nhà kinh tế này, tuyên án tử hình những quan chức cấp thấp không phải là điều bất thường, đặc biệt là trong những vụ buôn lậu ma túy. Tuy nhiên những quan chức cấp cao bị kết tội tham nhũng thường chịu án tù, bị bãi chức hoặc cho về hưu non.
Đặc biệt, mới đây vào ngày 11/11, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã đề nghị mức án tử hình đối với hai bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính số 2, và ông Ðặng Văn Hai, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quang Vinh, vì các tội “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn…”, và “cố ý làm trái…”, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 531 tỉ đồng.
Ảnh minh họa
Phiên xử diễn ra giữa lúc chính phủ nước ta đang tìm cách củng cố hệ thống ngân hàng vốn có tỉ lệ nợ xấu cao nhất ở khu vực Ðông Nam Á, và trấn áp tình trạng lũng đoạn của những nhóm cổ đông có lợi ích cục bộ.
Trong một phát biểu của mình, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng cho biết, nhiều tổ chức tín dụng ở Việt Nam bị chi phối bởi những cá nhân hoặc một nhóm những cổ đông mà dư nợ cho vay chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số dư nợ, có khi lên tới 90 phần trăm, đe dọa đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Một động thái tích cực khác của chính phủ để giải quyết khó khăn là việc Việt Nam đã thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) để mua lại nợ xấu của ngân hàng. Dự kiến đến cuối năm 2014 VAMC có thể mua tới 150 ngàn tỉ đồng nợ xấu.
Nền kinh tế nước ta vừa có mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua vào năm 2012 khi mức tăng trưởng chỉ đạt 5,25%. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, đã đến lúc Việt Nam cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc xử lý tham nhũng và tái cấu trúc nền kinh tế.
T. Khanh (tổng hợp)