Chỉ là một chấm nhỏ trên kính viễn vọng, GD 61 - tên của tiểu hành tinh - được tạo nên từ đá và nước, giống cấu trúc của địa cầu. Nó cách trái đất 150 năm ánh sáng và xoay quanh một ngôi sao lùn trắng sắp cạn nhiên liệu, Space đưa tin.
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện thành phần cơ bản của một tiểu hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Theo tính toán của họ đường kính của GD 61 đạt từ 90 km trở lên. Nước chiếm tới 26 % thành phần vật chất của nó, trong khi tỷ lệ nước trên địa cầu chỉ là 0,023 %.
Những gì còn sót lại cho thấy rất nhiều nước từng tồn tại trên hành tinh quay xung quanh ngôi sao lùn trắng sắp tắt GD 61.
Giáo sư thiên văn Boris Gänsicke của Đại học Warwick, Anh cho biết: “Ở giai đoạn này, tàn dư của hành tinh này là đá, bụi và những mảnh vỡ cùng xoay quanh quỹ đạo của ngôi sao đang hấp hối. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể cung cấp nguồn thông tin phong phú về những hành tinh quay quanh ngôi sao lùn trắng kia”.
Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Hubble và kính thiên văn mặt đất khổng lồ Keck ở Mauna Kea, Hawaii cho thấy GD 61 chứa một lượng lớn khí oxy nhưng ít hoặc không có khí carbon. Ngoài ra, nó cũng sở hữu khá nhiều nguyên tố phổ biến như mangan, silicon, sắt.
Với sự tồn tại của nước và oxy, GD 61 là một thiên thể có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Nhưng nếu sinh vật sống từng tồn tại trên đó, có lẽ họ đã tuyệt chủng khi ngôi sao phình ra, nổ tung rồi co lại thành ngôi sao lùn trắng như chúng ta thấy ngày nay.
Sau khoảng 6 tỷ năm nữa, trái đất cũng sẽ hứng chịu số phận tương tự, bởi mặt trời sẽ biến thành sao lùn trắng sau khi nó giãn nở thành sao khổng lồ đỏ rồi nổ tung. Vì thế, đối với giới thiên văn, GD 61 chính là bằng chứng về ngày tận thế của các hệ sao-hành tinh giống như Thái Dương Hệ.
Theo Tri Thức