Theo phân tích của các nhà khoa học người Anh, mẩu bánh mì mà họ tìm thấy có gốc tích từ 14.400 năm trước, mốc thời gian này còn sớm hơn tới 4.000 năm nền nông nghiệp loài người xuất hiện.
Các nhà khảo cổ đã khám phá ra 24 mẫu vật được cho là của bánh mì trong hai lò sưởi ở khu vực Shubayqa 1.
Phát hiện này là một bằng chứng cụ thể về chiếc bánh mì lâu đời nhất, và gây ra một cuộc tranh luận trên tạp chí PNAS hôm thứ Hai.
Một nhóm nghiên cứu viên từ đại học Copenhagen, đại học London và đại học Cambridge đã tiến hành phân tích 24 mẫu vật bằng kính hiển vi điện tử tại đại học London. Kết quả phân tích đã được công bố trước cuộc họp của viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia hôm thứ Hai. Phân tích phát hiện thấy bằng chứng sớm nhất về những chiếc bánh mì đã được tạo ra từ những ngũ cốc dại như lúa mạch, lúa mì einkorn và yến mạch, được nghiền, sàng thành bột, rồi nhào nặn trước khi nướng.
Giáo sư Dorian Fuller thuộc Viện Khảo cổ học UCL giải thích: “Những chiếc bánh này được làm ra với nhiều công đoạn như xay xát, nghiền ngũ cốc dại sau đó nhào bột rồi đem đi nướng. Công đoạn này được tạo ra trước khi các phương pháp canh tác xuất hiện".
Những người làm ra bánh mì sớm nhất này được cho là người Natufian thời kỳ đồ đá mới. Họ bắt đầu biết sống định cư thay vì du cư nay đây mai đó như người của thời kỳ trước.
Amaia Arranz-Otaegui, một nhà nghiên cứu của trường đại học Copenhagen, cho biết: “Sự xuất hiện của bánh mì ở Shubayqa 1 từ thời kỳ ấy là một trường hợp cực kỳ đặc biệt”.
Ông cũng cho biết thêm những chiếc bánh mì đầu tiên của loài người có mối liên hệ với nguồn gốc của nền nông nghiệp sớm với việc trồng cây họ đậu và ngũ cốc.
“Có thể là những chiếc bánh mì đã kích thích động lực con người trồng cây, canh tác cây trồng, khi bánh mì trở thành thực phẩm được “săn đón” nhiều”.
Mẫu vật bánh mì nướng được tìm thấy trong lò sưởi ở Shubayqa 1, cũng là minh chứng cho thấy phương pháp nướng đã xuất hiện trước cả khi con người biết trồng trọt.
Hà Trang (theo Reuters, Foxnews, CNN)