Giới cổ vật Việt Nam vừa đón nhận thông tin chấn động khi hai tấm bia đá có niên đại 601 được phát hiện ở Bắc Ninh. Theo đánh giá ban đầu, có thể đây là hai tấm bia cổ nhất Việt Nam và có giá trị lớn về mặt văn hóa lịch sử. Các nhà khảo cổ học đã bắt tay vào công cuộc nghiên cứu hai tấm bia này và bước đầu có những kết luận mới nhất trong Hội nghị tổng kết Khảo cổ học lần thứ 47 diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 27 - 28/09.
Phát hiện tình cờ
Hai tấm bia cổ được phát hiện từ năm 2004 khi ông Nguyễn Văn Đức - người dân thôn Xuân Quan (xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở độ sâu chừng 2m tại khu phía sau chùa Đông Quan. Theo lời ông Đức kể lại thì lúc mới đưa lên hai tấm bia úp khít vào nhau và kết dính bởi một chất liệu đặc biệt, phải rất vất vả mới dùng mai tách đôi ra được. Cùng với hai tấm bia còn có một đỉnh đá (còn gọi là liễn) hình vuông có nắp đậy, bên trong có một chút đất đen.
Sau khi đào được số cổ vật trên, ông Đức đã đem bộ bia và nắp đá đậy về nhà còn lại gửi ở chùa làng (chùa Huệ Trạch). Ông Đức cũng đã nhờ một số người biết chữ Hán đọc chữ viết trên tấm bia nhưng họ cũng không đọc được gì nhiều. Số cổ vật ông Đức khai quật được bảo quản tại nhà ông Đức cho tới tháng 8 năm 2012 khi tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng Bắc Ninh tình cờ nghe được câu chuyện về tấm bia cổ năm xưa.
Hai tấm bia và đỉnh đá được chùa Huệ Trạch và ông Đức trao lại cho Bảo tàng Bắc Ninh. Các cán bộ bảo tàng Bắc Ninh ban đầu nhận định đây là những cổ vật bằng đá có niên đại từ năm 601 liên quan đến một chùa mang tên là Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức từng được nhắc đến trong Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601, dẫn trong Quảng hoằng minh tập có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu.
Những dấu ấn về ngôi chùa cổ Thiền Chúng
Những giá trị lịch sử quý giá
Ngày 29/08, các chuyên gia khảo cổ và sử học gồm G.S Phan Huy Lê (chủ tịch Hội sử học Việt Nam), PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam), T.S Nguyễn Văn Sơn, Th.S Phạm Lê Huy đã đến Bảo tàng Bắc Ninh để trực tiếp quan sát tấm bia dưới sự hướng dẫn của T.S Lê Viết Nga (giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh). Theo nhận định ban đầu, tháp chùa Thiền Chúng sau nhiều năm bị đổ nát đã chìm vào sự quên lãng. Chùa tan, tháp đổ nên sau đó các cổ vật chìm trong lòng đất, đến nay tình cờ người dân phát hiện được.
Qua những phân tích và so sánh, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu tích minh văn (tạm gọi là minh văn Giao châu) có nội dung gần giống với các minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" có niên đại 601 đã phát hiện được tại Trung Quốc, tuy nhiên có khác nhau ở một vài chi tiết: Về dòng chữ tiêu đề trên tấm bia, về địa điểm xây tháp và phần chú thích về "sắc sứ".
Theo báo cáo tại hội nghị Khảo cổ học lần thứ 47 lần này, Th.s Phạm Lê Huy: "Trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn, riêng minh văn Giao châu và Thanh châu có thêm phần chú thích về "sắc sứ". Minh văn Giao châu ghi tên sắc sứ là "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư" và "Vũ kỵ úy Khương Huy". Minh văn Thanh châu ngoài 2 sắc sứ là "Đại đức Trí Năng" và "Vũ kỵ úy Lý Đức Kham" còn ghi thêm tên 2 người tùy tùng (tòng giả) và 2 viên chức Tư mã và Lục sự tham quân của Thanh châu. Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư" và "Đại đức Trí Năng" là 2 trong số 30 sa môn được Tùy Văn Đế cử về địa phương, Khương Huy và Lý Đức Kham là 2 "tản quan" tháp tùng. Xung quanh thông tin nắp bia và bia được kết dính bằng một chất đặc biệt, chúng ta cũng tìm thấy trường hợp tương tự tại Trung Quốc. Theo văn bản khai quật minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" tại chùa Hoằng Nghiệp ở U châu năm 846, hộp đá lớn được phong bằng bùn hương, phía trên có minh văn.
Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin (ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao châu) với các tư liệu như Quảng hoằng minh tập và Cảm biến lục. Đây là cơ sở giúp các nhà nghiên cứu khẳng định tấm bia tìm được tại Bắc Ninh chính là minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" được khắc cùng với sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao châu có niên đại 601. Bên cạnh đó, sự thống nhất về câu chữ trong minh văn cho thấy bên cạnh mẫu thiết kế tháp xá lợi, quy cách tổ chức nghi lễ, chính quyền trung ương của nhà Tùy đã biên soạn trước nội dung minh văn để phân phát cho các địa phương. Nói cách khác, có thể cho rằng tấm bia 601 được khắc tại Việt Nam và cổ nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay
Bảo Hằng- Đinh Nhung