Theo Science Alert, nghiên cứu mới công bố hôm 28/3 trên tạp chí Nature Communications tập trung vào việc dư lượng protein cao bất thường và khó hiểu đã được tìm thấy trong một số kiệt tác của Da Vinci và đôi khi cả trong tranh của danh họa cùng thời Sandro Botticelli.
Nhóm tác giả đứng đầu bởi Tiến sĩ Ophelie Ranquet từ Viện Cơ học và kỹ thuật quy trình cơ khí thuộc Viện Công nghệ Karrlsruhe (Đức) đã phân tích lại một số tranh của danh họa Da Vinci và tìm ra nguồn gốc của protein đó là từ lòng đỏ trứng.
Việc một loại thực phẩm xuất hiện trong sơn dầu tưởng chừng như kỳ quái, nhưng các phân tích cho thấy đó là chủ ý của danh họa.
“Có rất ít tư liệu viết về thành phần protein trên tranh sơn dầu, chính vì vậy kết quả nghiên cứu đã làm chúng tôi bất ngờ. Chỉ một lượng nhỏ lòng đỏ trứng, tác phẩm hội hoạ có thể đạt được sự thay đổi đáng kinh ngạc và các nghệ sĩ luôn tận dụng điều đó”, Tiến sĩ Ophelie Ranquet nhận định.
So với loại màu vẽ kết hợp giữa lòng đỏ trứng, bột màu và nước của người Ai Cập thì sơn dầu cho những hiệu ứng đậm và mượt hơn trên tác phẩm hội hoạ. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như dễ bị sẫm màu và hư hại khi tiếp xúc với ánh sáng.
Sơn là một quá trình thủ công cần sự thử nghiệm nên khả năng cao các danh hoạ đã trộn lẫn trứng và sơn dầu để có hiệu ứng màu vẽ tốt hơn.
“Việc bổ sung lòng đỏ trứng có thể điều chỉnh đặc tính của sơn dầu, khiến nó ít bị ôxy hoá hơn do lòng đỏ trứng có chứa chất chống ôxy hoá”, nhà nghiên cứu Ranquet giải thích.
Bên cạnh đó, phản ứng hóa học giữa dầu, màu và protein trong lòng đỏ ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất và độ nhớt của lớp sơn. Chẳng hạn, màu chì trắng khá nhạy cảm với độ ẩm, nhưng nếu bao phủ một lớp protein, nó sẽ chịu ẩm tốt hơn, khiến màu sơn dễ dùng hơn. Mặt khác, nếu không muốn dùng nhiều màu, thêm một chút lòng đỏ có thể giúp tạo ra lớp sơn dày. Cách đây nhiều thế kỷ, họa sĩ muốn dùng ít màu do một số màu như xanh lưu ly sử dụng bột màu xanh biển vốn đắt hơn vàng.
Bằng chứng trực tiếp về sự ảnh hưởng của lòng đỏ trứng trong tác phẩm hội hoạ được thể hiện rõ qua bức tranh “Madonna of the Carnation” của Leonardo da Vinci trưng bày ở bảo tàng Alte Pinakothek tại Munich, Đức. Tác phẩm có nếp nhăn trên mặt Đức mẹ Mary và đứa trẻ. Sơn dầu bắt đầu khô đi từ bề mặt trở xuống, tạo thành nếp nhăn.
Những vết nhăn xuất hiện khá nhanh sau khi tác phẩm hoàn thiện nên có khả năng Leonardo và các danh hoạ cổ đại đã hiểu được nguyên lý của hiệu ứng đặc biệt. Đó cũng chính là lý do họ bổ sung lòng đỏ trứng vào màu vẽ, tăng khả năng chống ẩm cho các tác phẩm hội hoạ sau này.
Một bức tranh khác được quan sát trong quá trình nghiên cứu là “The Lamentation Over the Dead Christ” của Botticelli. Tác phẩm chủ yếu vẽ bằng kỹ thuật màu kiểu cũ, nhưng sơn dầu đã được sử dụng cho nền và một số yếu tố phụ.
“Chúng tôi biết rằng, một phần của tác phẩm đã thể hiện trọn vẹn những nét vẽ điển hình của tranh sơn dầu. Tuy nhiên, một lượng rất nhỏ protein vẫn tồn tại trong đó. Vì protein quá ít và rất khó phát hiện nên thành phần này nghiễm nhiên bị coi là bụi bẩn”, nhà nghiên cứu Ranquet chia sẻ.
Theo các chuyên gia, lòng đỏ trứng đã tạo ra một hiệu ứng tuyệt vời cho các tác phẩm tranh sơn dầu nên việc protein được các danh hoạ sử dụng phần lớn là có chủ ý.
Bà Maria Perla Colombini - Giáo sư Hóa học phân tích tại Đại học Pisa, Italy - hoàn toàn tán thành nghiên cứu phát hiện protein trong tranh sơn dầu: “Kiến thức mới về sơn dầu kết hợp với lòng đỏ trứng không chỉ góp phần bảo tồn và giữ gìn các tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp lịch sử nghệ thuật thêm sáng rõ”.
Minh Hoa (t/h)