Hôm 1/6 vừa qua, ông Kim Jong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, đã gửi một lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là một chuyến thăm hiếm hoi của một quan chức Triều Tiên tới Mỹ và gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ.
Sau khi bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Kim Jong-chol trao lại bức thư cho ông Trump được truyền tải trên các kênh truyền thông, cư dân mạng đã chỉ ra một chi tiết đặc biệt. Theo đó, bức thư có kích thước lớn một cách bất thường. Do đó, nó không chỉ khiến người dùng internet thích thú mà còn khiến họ tò mò về nội dung.
Dù không tiết lộ cụ thể về những gì ông Kim Jong-un đã viết cho mình song ông Trump khẳng định đó là một bức thư “thú vị, tuyệt vời”.
Tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia phân tích cho hay, bức thư là một phần trong những bước tính toán kỹ lưỡng của Triều Tiên đối với Mỹ, nhằm thể hiện rằng ông Kim Jong-un là một chính khách, một nguyên thủ quốc gia hoàn toàn có khả năng đàm phán tìm kiếm giải pháp và thương lượng.
Trước đó, ông Trump từng gửi một lá thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hội nghị Mỹ-Triều tại Singapore, nhưng với giọng điệu tương đối nhẹ nhàng. Ông Trump nói rằng Mỹ hủy cuộc gặp vì những bình luận gay gắt của Triều Tiên về giới chức Mỹ. Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng không quên nhắc ông Kim rằng “đừng do dự gọi điện hay viết thư cho tôi”.
Sau đó, Triều Tiên đã đưa ra một động thái phản ứng hòa giải bất thường đối với lá thư của ông Trump. Nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên Kim Kye Gwan nói rằng Bình Nhưỡng “đánh giá cao” nỗ lực của ông Trump đối với hội nghị thượng đỉnh, gọi rằng đó là một “quyết định táo bạo mà chưa Tổng thống Mỹ nào dám đưa ra”. Vài giờ sau, ông Trump tuyên bố cuộc họp vẫn có thể sẽ tiếp diễn.
Bức thư cỡ lớn mà ông Kim Jong-un vừa gửi lại cho ông Trump nhiều khả năng sẽ “mượn” nhiều từ ngữ trong tuyên bố trên của Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan, ông Koh Yu-hwan, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho hay.
“Ông Kim sẽ bắt đầu lá thư bằng cách khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông Trump cùng quyết định “táo bạo” khi gặp mặt Triều Tiên”, ông Koh nói. “Ông ấy sau đó sẽ bàn tới vấn đề phi hạt nhân hóa, kết thúc đối đầu và bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia”.
Bởi tính chất trực tiếp cũng như sự trang trọng mà những lá thư mang lại nên ông Kim có thể coi đó là một phương pháp hiệu quả để giao tiếp với lãnh đạo của các quốc gia khác trên thế giới mà Triều Tiên có quan hệ gần gũi, chuyên gia Koh nói.
Điều này khiến ông Kim trở nên khác biệt so với cha và ông nội của mình, những người chưa bao giờ gửi thư ngoại giao cho các nước khác, chỉ trừ một số đồng minh truyền thống như Trung Quốc, hoặc ở một mức độ thấp hơn là Nga.
Còn nói về kích thước bức thư của ông Kim Jong-un gửi ông Trump, tờ New York Times cho rằng đó khả năng chỉ là sở thích của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng nhận được một bức thư với kích thước tương tự từ ông Kim Jong-un tại Thế vận hội Mùa đông Olympic, nơi ông bày tỏ mong muốn tổ chức hội nghị liên Triều.
Lá thư của ông Kim khi đó gửi tới ông Moon được giao tận tay bởi em gái ông Kim. Nó được bọc bởi một tấm bìa màu xanh, có trang trí bằng một miếng dán màu vàng. Có thể có một tấm bìa tương tự như vậy trong lá thư mà ông Trump nhận được, chuyên gia Koh cho hay.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay, bức thư đã được Mật vụ Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nó được trao cho Tổng thống Trump. Nguồn tin cũng tiết lộ thêm về nội dung lá thư, trong đó ông Kim Jong-un bày tỏ mong muốn được gặp Tổng thống Trump chứ không phải đưa ra bất cứ nhượng bộ hay đe dọa đáng kể nào.
Hiện tại, giới chức của Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị tích cực cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Sau nhiều lần dọa hủy gặp, Tổng thống Trump hôm qua 1/6 khẳng định hội nghị vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu.
Xem thêm: Phía sau hành động bất ngờ của Nga khi điều tàu chiến tối tân tới cửa ngõ Syria