Chị Vi Thị Biên (SN 1980), công tác tại Trạm Y tế xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết: Khoảng 13h ngày 25/5, lúc chị đang trực tại trạm thì có một người đàn ông và một đứa bé khoảng 12 tuổi đưa một người phụ nữ tới cấp cứu vì ăn lá ngón tự tử. Người phụ nữ này là chị Xồng Ý Nênh, trú tại xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Thời điểm này, Trưởng trạm y tế và các đồng nghiệp khác đã ra trung tâm huyện để tập huấn nghiệp vụ, chỉ còn chị Biên được giao một mình trực tại cơ quan.
Mặc dù bệnh nhân không phải là người địa phương, lại không có chuyên môn (chị Biên là điều dưỡng) nhưng với lương tâm của người thầy thuốc nên chị Biên đã quyết định tiếp nhận và tiến hành cấp cứu cho chị Nênh.
Theo chị Biên, thời điểm đưa đến cấp cứu bệnh nhân Nênh người đã hôn mê, tím tái, khó thở, có biểu hiện co giật của người bị ngộ độc do ăn lá ngón. Với kinh nghiệm của mình, chị Biên đã cùng với người chồng bệnh nhân chặt cây chuối rừng, giã lấy nước cho chị Nênh uống kích thích nôn ói để rửa ruột, sau đó tiến hành tiêm thuốc và truyền dịch.
Sau quá trình cấp cứu, chị Nênh đã tỉnh lại và cho biết nguyên nhân mình ăn lá ngón tự tử là phát hiện chồng gọi điện nói chuyện “tình cảm” với người phụ nữ khác. Đến sáng ngày 26/5, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo và ăn uống được nên gia đình xin đưa về nhà để tiếp tục điều trị.
“Trưởng trạm và các đồng nghiệp đi ra huyện dự tập huấn nghiệp vụ, một mình tôi được giao ở lại trực cơ quan. Khi thấy người chồng và con đưa chị Nênh đưa tới trạm cấp cứu nói là bị ăn lá ngón nên tôi cũng rất lo. Lúc này, bệnh nhân đã hôn mê, tím tái nên tôi đã tiếp nhận và tiến hành cấp cứu. Rất may là bệnh nhân đã được cứu sống”, chị Biên cho biết thêm.
Theo chị Biên, sau khi cứu sống được bệnh nhân, chị cũng đã khuyên nhủ, động viên chị Nênh lần sau không được làm điều dại dột như vậy nữa. Người chồng của nạn nhân cho hay, khi đi làm về thấy vợ nằm trên giường, hôn mê, tím tái với biểu hiện của người ăn lá ngón nên đưa đi cấp cứu.
Theo kinh nghiệm của chị Vi Thị Biên, những người bị ngộ độc thì tốt nhất là lập tức cho rửa ruột bằng cách cho uống nước con nhái sống băm nhỏ hoặc cây chuối rừng để kích thích bệnh nhân nôn hết ra, sau đó mới tiến hành các bước cấp cứu tiếp theo.
Ông Lô Văn Bốn, Trưởng Trạm Y tế xã Tri Lễ xác nhận thông tin trên và cho biết thêm, ngày hôm qua ông cùng với Phó trưởng trạm và một nhân viên ra trung tâm y tế huyện để tập huấn nghiệp vụ và có nghe chị Biên báo cáo lại sự việc.