Độc giả hỏi:
Tôi năm nay 30 tuổi, lấy chồng cũng đã 7 năm nay. Hiện vợ chồng tôi đã có chung 1 cháu nhỏ 5 tuổi, kinh tế 2 vợ chồng cũng đủ ăn đủ mặc do tôi và chồng đều đi làm và có thu nhập ổn định.
Thời gian đầu, vợ chồng tôi sống rất vui vẻ và hạnh phúc, chồng tôi là người yêu thương vợ con và rất tâm lý. Tôi cảm thấy cuộc sống như vậy là đã viên mãn.
Tuy nhiên, thời gian 1 năm trở lại đây, tôi phát hiện chồng mình có nhân tình bên ngoài. Anh thường đi sớm về muộn, không đưa tiền sinh hoạt hàng ngày cho vợ, không quan tâm đến gia đình và thường né tránh không muốn “gần gũi” với vợ.
Nhiều lần tôi cũng đã nói chuyện và khuyên nhủ chồng, vì tôi biết rằng đàn ông thường “ong bướm” nhất thời. Lúc đầu, anh có nghe, nhận lỗi và hứa sẽ thay đổi nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Anh như con “thiêu thân” lao vào cuộc tình vụng trộm ngày một nhiều hơn.
Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, tôi đã chủ động liên hệ với nhân tình của chồng để yêu cầu chấm dứt mối quan hệ “vụng trộm” này. Chồng tôi biết việc, đã ra sức chửi bới, sỉ nhục, đánh mắng tôi và muốn ly hôn để được thoải mái với nhân tình.
Những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng mà tôi phải gánh chịu vì dám làm phiền đến cuộc vui của anh.
Vậy cho tôi hỏi, với những bằng chứng chồng ngoại tình, chồng bạo hành, giờ tôi và chồng ly hôn thì tôi có được lợi thế giành quyền nuôi con không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư Thị Lan Hương (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ) trả lời:
Chào bạn, sau khi nghe được câu hỏi của bạn, có thể thấy trong việc này, chồng của bạn là người mắc lỗi. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến trả lời như sau:
Về vấn đề chồng ngoại tình không làm ảnh hưởng tới quyền nuôi con của vợ chồng bạn sau ly hôn.
Tại Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con. Trong trường hợp không thể thỏa thuận, tòa án sẽ quyết định dựa trên các yếu tố sau:
Nếu cháu bé dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ sẽ được quyền nuôi con, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
Nếu cháu bé từ 3 đến 7 tuổi, tòa án sẽ giải quyết cho bên nào đảm bảo được tốt hơn về mọi mặt cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con.
Nếu cháu bé từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa án sẽ xem xét dựa trên nguyện vọng của cháu bé muốn ở với ai.
Nếu có 2 con, việc giành quyền nuôi cả hai sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc điều kiện của từng bên. Trong trường hợp cả 2 có quyền ngang nhau và đều có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con thì có thể tòa án sẽ giao mỗi người nuôi một con.
Sau khi ly hôn, bên nào không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Về vấn đề bạn bị chồng bạo hành:
Hiện nay, với mỗi hành vi bạo lực nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật quy định nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình.
Vì vậy, bạn có thể tự mình khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền như ủy ban nhân dân hoặc công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
Là nạn nhân bạo lực gia đình, bạn “có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”.
Nếu chồng bạn thừa nhận có hành vi bạo lực đối với bạn thì bạn không cần phải chứng minh hành vi bạo lực của chồng đối với mình nữa.
Ngược lại, nếu chồng bạn không thừa nhận thì bạn phải chứng minh mình là nạn nhân của bạo lực gia đình qua: Lời khai của những người chứng kiến sự việc; ghi chú về thương tật, thương tích của bạn trong văn bản của cơ quan công an, của chính quyền địa phương; ảnh chụp thương tật, thương tích và hiện trường xảy ra vụ việc; giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; các vật chứng liên quan đến bạo lực; kết quả giám định thương tật….
Trên cơ sở sự chứng minh của bạn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có căn cứ để giải quyết cho bạn.
Đăng Khoa