Không nóng vội
Thời gian qua, do được tiếp xúc ngày càng nhiều với mạng internet, sử dụng máy tính và điện thoại thông minh thường xuyên nên nhiều trẻ đã có “cơ hội” tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, phim "nóng". Không ít trẻ cũng bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội nhóm "độc hại" trên mạng xã hội.
Khi phát hiện ra con xem phim “người lớn”, các bậc cha mẹ thường có những phản ứng khác nhau. Ngoài số ít người có thể bình tĩnh ngồi lại nói chuyện, lắng nghe và chia sẻ với trẻ thì hầu hết các bậc phụ huynh mắng chửi, thậm chí có những hành vi bạo lực như đánh con, đập máy tính, điện thoại, cấm cản nhiều điều thậm chí cấm ra khỏi nhà.
"Một số bậc phụ huynh không biết cách xử trí đã làm lớn chuyện lên, thậm chí nghiêm trọng hoá sự việc chỉ khiến đứa trẻ xấu hổ, từ đó nảy sinh các cảm xúc rất tiêu cực như không muốn chia sẻ, ngày càng thu hẹp bản thân mình và cố gắng giữ bí mật về mọi chuyện”, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho biết.
Mới đây, dư luận đặc biệt người dùng mạng xã hội đang bức xúc với việc vợ của một nghệ sĩ nổi tiếng ở khu vực phía Bắc chia sẻ trên trang cá nhân việc con trai 13 tuổi của chị bị các đối tượng khác rủ vào các hội nhóm khiêu dâm. Sau đó do tức giận chị đã đập điện thoại của con đồng thời chia sẻ chuyện này trên mạng xã hội để dạy dỗ con và cảnh báo các bậc phụ huynh khác.
Tuy nhiên xung quanh việc này, các ý kiến bình luận thể hiện sự bất bình, phản ứng với cách "dạy con" của vợ nghệ sĩ nói trên. Đồng thời, nhiều người cho rằng, việc công khai việc làm của con lên mạng xã hội như vậy, nhất là với con của người nổi tiếng, được nhiều người biết đến khiến đứa trẻ sẽ bị nhận ra, sẽ xấu hổ với bạn bè, người quen.
Theo Tiến sĩ chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) trao đổi với Giáo Dục Thời Đại: Khá nhiều phụ huynh nói rằng đã phát hiện ra con xem phim “nóng”, điện thoại có lưu hình ảnh nhạy cảm… Nhiều bậc phụ huynh lúng túng không biết ứng xử, dạy bảo ra sao, có người nóng nảy quát mắng, thu hoặc đập điện thoại di động.
Trước hết bố mẹ cần giải thích cho con hiểu cái gì được phép và không được phép. Hãy dạy cho con những kiến thức nền về xâm hại tình dục; về tuyên truyền văn hóa phẩm đồ trụy là vi phạm pháp luật. Từ đó, con trẻ sẽ biết và không để người khác nhìn thấy cơ thể của mình cũng như không cố tình nhìn thấy cơ thể người khác. Hoặc không lưu, lan truyền phim, hình nhạy cảm.
Trong hành xử khi phát hiện con lưu hay xem phim ảnh nhạy cảm, dù bất ngờ đến mấy bố mẹ cũng không được nóng vội, đánh mắng ngăn cản hay đập phá đồ dùng, điện thoại của trẻ. Bố mẹ hãy hiểu rằng con đã lớn và phải hướng dẫn, dạy bảo đúng cách. Tránh gây sự tò mò từ phản ứng, ứng xử của bố mẹ trước sự việc.
Xóa bỏ tư duy "giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy"
Tiến sĩ Trần Thành Nam chia sẻ với Zing, người lớn cần thay đổi quan niệm về giáo dục giới tính, không nên sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà cần chủ động “vẽ đường” cho “hươu chạy đúng” vì ngày nay, trẻ có thể tiếp cận nhiều “đường” qua mạng xã hội.
Theo đó, các bậc phụ huynh có thể mua sách về giáo dục giới tính, đặt ở tất cả không gian chung trong nhà để trẻ dễ tiếp cận. Trước mặt bố mẹ, con có thể không đọc vì ngại. Song do tò mò, trẻ sẽ đọc khi bố mẹ không ở đó. Phụ huynh kiểm duyệt trước nội dung trong sách nên cũng yên tâm, định hướng con đúng đắn khi tìm hiểu về vấn đề này.
Cha mẹ hãy bình tĩnh khi thấy con xem phim sex, và chờ đến không gian, thời điểm thích hợp đó rồi nói chuyện một cách chân thành với con về vấn đề tình yêu, tình dục, giới tính.
Người lớn cần đề cập đến việc tìm kiếm thông tin trên mạng có thể sai lệch. Ví dụ, phim sex không thể hiện đúng bản chất của tình yêu. Tình yêu có cả tình cảm, sự cam kết, thân mật, gần gũi còn phim sex chỉ có yếu tố tình dục, thậm chí mô tả hành động bạo lực, mang tính xâm hại. Do đó, con cần tìm hiểu để có nhận thức đúng.
“Bố mẹ tập nói chuyện với nhau hoặc tập nói trước gương để lúc trò chuyện, không ngượng nghịu khi đề cập đến chuyện nhạy cảm. Nhiều người vẫn ngại, chưa biết cách trò chuyện thân thiện, phù hợp, chân thành, chia sẻ chứ không phải đe dọa, tức giận với con khi nói về chuyện tình dục”, TS Trần Thành Nam chia sẻ thêm.
Tuyệt đối không “bêu” con trên mạng xã hội
Hành động đăng tải câu chuyện của con lên mạng lại như "con dao hai lưỡi", mà hại thì nhiều hơn lợi. Cư dân mạng rất nhiều người không đồng tình đăng bài “bêu” con trên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) cho hay, việc bà mẹ "đăng đàn" và khiến câu chuyện trở nên ồn ào trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
"Cũng giống như người lớn, trẻ em cũng cần sự tôn trọng và giới hạn riêng tư. Việc người mẹ này vì giận dữ, mất kiểm soát, đưa chuyện con mình xem hình ảnh 18+ lên mạng xã hội, gây tranh luận ồn ào, sẽ dễ khiến trẻ thấy ngại, xấu hổ. Rồi trẻ sẽ đối diện ra sao trước những lời nói của cộng đồng mạng, bạn bè rồi thầy cô? Chưa kể, đứa trẻ trong câu chuyện này còn là một cậu bé nổi tiếng. Chỉ cần một thao tác là có thể xóa đi một status, tuy nhiên, "vết đau" hằn trong tâm lý của trẻ có lẽ sẽ chẳng bao giờ biến mất", chị Ngọc bày tỏ.
Đồng quan điểm, chị Nhung ở Hà Nội chia sẻ: “Đưa chuyện không hay của gia đình đặc biệt con cái lên mạng chẳng khác nào ‘vạch áo cho người xem lưng’. Nếu vô tình bạn bè của các con đọc được lại ‘troll’ con mình hơn. Điều này tôi thấy hại nhiều hơn lợi. Bởi vậy cha mẹ cần chọn phương phát tốt để dạy con”.
Thông tin trên Vietnamnet, nhà giáo Thúy Hằng cho hay, từ câu chuyện này, các bậc phụ huynh cần ý thức được giới hạn trong việc chia sẻ câu chuyện mang tính chất "riêng tư" lên Zalo, Facebook…
Những chuyện gia đình, đặc biệt là những khúc mắc giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cần có sự thận trọng, cân nhắc khi đưa lên mạng xã hội.
"Thật ra ai cũng có thể mắc sai lầm. Khi mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình không được thuận lợi, đừng vì cảm xúc dồn nén mà đem câu chuyện đời tư lên Facebook. Những cái "like", những câu hỏi han vu vơ… trong thế giới ảo sẽ chẳng làm mối quan hệ gia đình tốt hơn.
Những chuyện nhạy cảm, tế nhị có lẽ nên được giải quyết theo hướng tinh tế, tế nhị thì sẽ hiệu quả hơn".
Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam cảnh báo có những việc tưởng như rất đơn giản như bị mẹ mắng, bị quay clip hôn bạn trai nhưng xuất hiện trên mạng, mỗi người đưa ra một bình luận thiếu tôn trọng, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, con đối mặt với nguy cơ tự hại để thoát khỏi cảm giác đó.
“Một số vụ tự tử xảy ra với nguyên nhân mà trước đây, chúng ta vẫn nói là do không có khả năng vượt qua nghịch cảnh. Nhưng mọi thứ trên mạng kinh khủng lắm. Cá nhân có thể bị tấn công 24/7, mức độ tiếp cận quá lớn”, ông giải thích.
Dạy con là cả một hành trình dài, mà trong đó ba mẹ là người dẫn dắt con đến những chân trời mới. Ít nhiều tính cách của con phụ thuộc nhiều vào cách giáo dục từ ba mẹ. Bởi vậy, khi tình yêu cha mẹ dành cho con đủ lớn, mọi trở ngại trên hành trình cùng con trưởng thành đều trở nên nhỏ bé. Hãy hành động ngay từ hôm nay để con hiểu rằng với cha mẹ con là điều đáng quý nhất nhé.
Trúc Chi (t/h)