Srivijaya là vương quốc được đề cập tới trong các câu chuyện truyền thuyết của Indonesia, người ta thường gọi vương quốc này là "Đảo Vàng". Truyền thuyết kể rằng đây là một nền văn minh cổ xưa từng đạt tới sự giàu có, thịnh vượng đáng nể.
Từ lâu người ta đã luôn cố gắng tìm kiếm dấu tích của Srivijaya bởi nó biến mất một cách bí ẩn, không thể lý giải vào khoảng thế kỷ 14.
Mãi cho tới gần đây, một số phát hiện khảo cổ đã khiến các nhà khoa học hy vọng rằng họ đã tìm thấy những dấu tích chứng minh sự tồn tại của đế chế Srivijaya.
Theo Guardian, trong 5 năm qua, các ngư dân đã vô tình trục vớt được rất nhiều cổ vật quý giá bằng vàng ròng, từ đá quý, nhẫn vàng, tiền xu đến chuông đồng của nhà sư, trong lúc lặn xuống sông Musi (đoạn gần thành phố Palembang, đảo Sumatra của Indonesia) đánh bắt thủy sản. Một trong những báu vật ấn tượng nhất là tượng Phật kích thước tương đương người thật nạm đầy đá quý từ thế kỷ 8, ước tính trị giá hàng triệu bảng Anh.
Tiến sĩ khảo cổ người Anh Sean Kingsley, người đang có mặt tại Indonesia để tham gia vào hoạt động nghiên cứu, cho rằng số cổ vật này là bằng chứng cho thấy Srivijaya là một "thế giới nước". Ngôi nhà của người dân sống dưới đế chế này chủ yếu là những con thuyền di chuyển trên sông, đúng như ghi chép trong tài liệu cổ xưa. Khi nền văn minh kết thúc, đền thờ, cung điện và nhà bằng gỗ chìm xuống cùng với tất cả hàng hóa, mọi dấu tích biến mất một cách bí ẩn.
Dù vậy, việc tìm thấy những món trang sức bằng vàng ròng quý giá khiến các nhà khảo cổ tin rằng những hiện vật này đã phản ánh sự giàu có của vương quốc Srivijaya cổ xưa.
Ở thời kỳ thịnh trị, Srivijaya kiểm soát các tuyến đường huyết mạch của Con đường Tơ lụa Biển - khu chợ quy mô để mua bán hàng hóa địa phương, Trung Quốc và Ả Rập.
"Thế kỷ 8, trong khi khu vực phía tây Địa Trung Hải bước vào thời kỳ đen tối, một trong những vương quốc vĩ đại nhất thế giới đã xuất hiện trên bản đồ Đông Nam Á. Trong hơn 300 năm, những người cai trị Srivijaya làm chủ các tuyến đường thương mại giữa Trung Đông và Trung Quốc. Srivijaya trở thành giao lộ quốc tế cho các sản phẩm tốt nhất thời đó và những người cai trị đã nắm giữ vô số của cải", Kingsley cho biết.
Cho đến nay, lý do vương quốc này biến mất vẫn là bí ẩn với giới khảo cổ. Tiến sĩ Kingsley so sánh sự biến mất của đế chế Srivijaya giống như những gì đã xảy ra với thành phố cổ Pompeii (Ý), nghĩa là có những sự thay đổi đột biến và dữ dội đã xảy ra. Có thể vương quốc này đã bị những ngọn núi lửa sôi sục ở Indonesia hủy diệt hoặc bị dòng sông chảy xiết nuốt chửng.
Hiện khó khăn mà các nhà khảo cổ gặp phải là thiếu nguồn lực để tiến hành hoạt động khảo cổ một cách quy mô, trong khi những báu vật mà ngư dân tìm được nhanh chóng bị bán cho những người tìm mua đồ cổ trước khi các chuyên gia có thể nghiên cứu chúng một cách kỹ lưỡng.
"Nhiều cổ vật, trong đó có bức tượng Phật kích thước tương đương người thật trang trí nhiều đá quý, đã biến mất trong thị trường cổ vật quốc tế. Câu chuyện về sự hình thành và sụp đổ của Srivijaya đang dần mất đi mà không được kể lại", Kingsley nhấn mạnh.
Minh Hoa (t/h)