Phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, Công an TP.HCM xử lý ra sao?

Phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, Công an TP.HCM xử lý ra sao?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 4, 08/09/2021 19:45

Áp dụng kiểm tra giao thông có hệ thống, Công an TP.HCM đã phát hiện hàng chục trường hợp là F0 nhưng vẫn lưu thông ra đường nên phải đưa ra quy trình xử lý chặt chẽ.

Chiều tối 8/9, UBND TP.HCM họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, Người Đưa Tin đặt câu hỏi về quy trình xử lý của ngành công an khi phát hiện F0 tại các chốt kiểm soát giao thông.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, theo quy định mới nhất, Công an TP.HCM đã đưa ra hướng dẫn về tình huống này.

Dân sinh - Phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, Công an TP.HCM xử lý ra sao?

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM.

Tại các chốt kiểm soát có nhân viên y tế thì đội ngũ này sẽ thực hiện công tác phòng chống dịch tại chốt như điều tra dịch tễ, khử khuẩn, liên hệ địa phương để đưa F0 đến nơi cần thiết. Nếu các chốt kiểm soát không có nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ thông báo cho cơ quan y tế địa phương tại đó để phối hợp xử lý.

“Trong lúc đó, lực lượng công an sẽ làm nhiệm vụ của mình. Nếu trường hợp F0 đó có giấy đi đường thì ngay lập tức thu hồi giấy. Cán bộ chiến sĩ phải báo cáo khẩn về Công an TP.HCM trong lúc hỗ trợ lực lượng y tế xác minh, điều tra dịch tễ”, ông Hà nói.

Đại diện Công an TP.HCM cũng khẳng định, sau khi làm rõ nguyên nhân về việc lưu thông trên đường của trường hợp F0 bị phát hiện, nếu có vi phạm thì Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngày 8/9 cũng là ngày đầu tiên Công an TP.HCM triển khai kiểm soát các máy đọc mã QR không tiếp xúc tại 78 chốt sau khi thí điểm thành công ở 2 chốt trên địa bàn.

Đối với phản ánh của người dân, báo chí về việc cách kiểm tra này còn bất cập, dễ dẫn đến ùn ứ giao thông, đại diện Công an TP.HCM cho biết “sẽ tìm cách khắc phục để nâng cao chất lượng phục vụ”.

“Đối với chốt kiểm soát có lưu lượng đông, chúng tôi chỉ đạo bố trí thêm số lượng đầu đọc, đầu quét mã QR để tránh ùn ứ phương tiện giao thông. Đồng thời, Công an TP.HCM đã lưu ý đến công an quận, huyện phải phân luồng ô tô và xe máy, tránh trường hợp ách tắc”, ông Hà cho hay.

Sau hôm nay, Công an TP.HCM sẽ lắp đặt hoàn thiện thêm nhiều máy quét mã QR, tiến đến mục tiêu 100 chốt sẽ kiểm soát lưu thông không tiếp xúc.

“Khó khăn hiện tại là đang thiếu thiết bị che chắn cho đầu quét. Và cứ 1 máy quét, 1 đầu lọc thì cần 1 máy tính để xử lý thông tin. Việc mua sắm số lượng lớn chưa kịp nên chúng tôi đang trưng dụng máy tính cá nhân của các cán bộ, chiến sĩ. Do đó, cần phải rà soát, xác định đúng vị trí chốt cần lắp đặt để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực”, Thượng tá Lê Mạnh Hà chỉ ra.

Dân sinh - Phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, Công an TP.HCM xử lý ra sao? (Hình 2).

Công an TP.HCM bắt đầu phổ biến việc kiểm soát lưu thông bằng máy quét mã QR để hạn chế tiếp xúc.

Trước đó, báo cáo của Công an TP.HCM công bố ngày 7/9 cho biết, trong thời gian giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, tại 914 chốt kiểm soát toàn thành phố, Công an TP.HCM đã kiểm tra 2.141.502 phương tiện, lập biên bản 11.176 trường hợp, xử phạt số tiền hơn 17,7 tỷ đồng. Trong đó, lỗi chính là ra đường không có lý do chính đáng với 11.077 trường hợp, chiếm tỷ lệ 99%.

Đối với việc kiểm tra mã QR khai báo y tế khi qua chốt kiểm soát, tính đến ngày 6/9, Công an TP.HCM đã phát hiện 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường. Cụ thể, có 29 trường hợp thuộc diện cấp giấy đi đường, còn lại là người đi khám chữa bệnh, đi tiêm ngừa, shipper...

Qua công tác xác minh, 63 trường hợp F0 lưu thông trên đường thì có 10 trường hợp đã khỏi bệnh, 17 trường hợp cách ly tập trung, còn lại là cách ly tại nhà. Ngành công an cũng đã thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào danh sách cảnh báo hủy 20 trường hợp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.