Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một bộ hài cốt cổ xưa của nạn nhân đầu tiên trên thế giới qua đời vì bệnh dịch hạch. Bộ xương nam giới được khai quật vào những năm 1800 ở khu vực gần biển Baltic, trên địa phận Latvia, có ký hiệu RV 2039. Theo dự đoán, người đàn ông này thuộc thời kỳ săn bắn hái lượm cổ đại, chết ở độ tuổi 20 đến 30 tuổi, cách đây 5.000 năm.
Bộ xương từng biến mất một thời gian không lâu sau khi được khai quật nhưng đã xuất hiện trở lại vào năm 2011 trong bộ sưu tập của nhà nhân chủng học người Đức, Rudolph Virchow.
Như vậy, khoảng 200 năm sau khi tìm thấy RV 2039, các nhà khoa học mới có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc đời cũng như nguyên nhân cái chết của anh ta.
Phân tích mẫu răng và xương họ phát hiện ra Yersinia pestis (Y. pestis), chủng vi khuẩn gây ra đại dịch dịch hạch hay còn gọi là “Cái chết Đen” thảm khốc. Đại dịch dịch hạch từng càn quét khắp châu Á và châu Âu vào thế kỷ 14. Đỉnh điểm, đại dịch xảy ra ở châu Âu đã xóa sổ khoảng một nửa dân số của lục địa này (tương đương khoảng 50 triệu người).
Nhưng chủng dịch hạch tấn công RV 2039 không phải bất kỳ chủng nào khoa học đã biết và xưa hơn chủng từng được ghi nhận trước đó đến 2.000 năm.
Nhà sinh hóa và khảo cổ học Ben Krause Kyora, người đứng đầu Phòng thí nghiệm DNA tại đại học Kiel ở Đức, cho biết nhóm nghiên cứu đã tái tạo lại bộ gene của vi khuẩn dịch hạch và phát hiện ra rằng đó là một chủng Yersina Pestis rất cổ xưa, tách ra tận 7.000 năm trước từ "người tiền nhiệm" Yersina Pseudotuber tuberculosis.
Đáng chú ý, bộ gene của chủng dịch hạch cổ xưa này gần với các chủng hiện đại nhất, nhưng thiếu vài gene, bao gồm một gene đặc biệt cho phép bọ chét nhiễm bệnh. Trước đây, dịch hạch được cho là lan truyền bởi chuột, song các nghiên cứu sau này chứng minh bọ chét mới là vật chủ truyền bệnh.
Tuy nhiên RV 2039 nhiễm bệnh qua một loài vật khác, hải ly. Sự tiến hóa của vi khuẩn dịch hạch này từ ký sinh trên các con vật lớn hơn sang bọ chét được cho là làm gia tăng độ nguy hiểm, khiến nó lây lan nhanh hơn và tạo ra nhiều đại dịch "Cái chết Đen” gây ám ảnh nhân loại.
Dù xuất hiện sớm nhưng dịch hạch thời đồ đá ít gây chết người và khả năng lây nhiễm khá thấp. Dựa trên số lượng vi khuẩn lớn có trong máu tại thời điểm RV 2039 qua đời, theo phân tích chân răng, các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn Y. pestis thời kỳ này ít “hung hăng” hơn và độc lực nhẹ hơn nên mới dẫn đến nhiễm trùng kéo dài và tích tụ lượng lớn vi khuẩn.
Kết quả kiểm tra răng và xương của những hài cốt cùng thời, được chôn ở khu vực xung quanh RV 2039 cũng cho thấy không ai khác nhiễm bệnh. Điều này chứng tỏ chủng vi khuẩn cổ đại này có lẽ không lây lan giữa người với người.
Các chuyên gia cho rằng việc kiểm tra lịch sử tiến hóa của Y. pestis cũng có thể làm sáng tỏ lịch sử bộ gene của con người. “Các mầm bệnh khác nhau và bộ gene của con người luôn phát triển cùng nhau. Y. pestis gần như đã giết chết một nửa dân số Châu Âu trong một khoảng thời gian ngắn, vì vậy nó sẽ có tác động lớn đến bộ gene của con người'', ông Krause Kyora cho biết.
Theo ông, kể cả trước đó, chúng ta đã thấy sự thay đổi lớn trong các gene miễn dịch của con người vào cuối thời đồ đá mới cùng với thay đổi đáng kể trong bối cảnh mầm bệnh vào thời điểm đó.
Minh Hoa (t/h)