Bộ hài cốt nói trên là của ông Marcus Venerius Secundio, một cư dân của Pompeii- thành phố La Mã bị phá hủy và chôn vùi hoàn toàn trong vụ phun trào kéo dài 2 ngày của núi lửa Vesuvius năm 79 sau Công nguyên, tức khoảng 2.000 năm trước.
Các chuyên gia tìm thấy bộ hài cốt trong một lăng mộ tại nghĩa trang Porta Sarno, Italy. Đây là nơi chôn cất nhiều nhân vật có địa vị, bao gồm Marcus Obellius Firmus, người cai quản thành phố sống dưới thời hoàng đế Nero (năm 54 - 68).
Lăng mộ được cho là xây trước khi thảm họa núi lửa nổi tiếng xảy ra vào năm 79. Căn cứ vào chữ khắc trong mộ và xét nghiệm ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng ông Marcus Venerius Secundio qua đời vào năm 60 tuổi và từng làm nô lệ. Sau khi tự do, Secundio trở thành một thầy tế chuyên tổ chức các nghi lễ của Latin và Hy Lạp. Điều này đồng nghĩa với việc ông được gia nhập vào tầng lớp cao hơn trong xã hội Pompeii cổ đại.
"Các nghi lễ Hy Lạp cho thấy môi trường văn hóa cởi mở và sôi động đặc trưng ở Pompeii cổ đại", Gabriel Zuchtriegel, Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii, nhận định.
Secundio yên nghỉ trong lăng mộ hình chữ nhật xây bằng đá và gạch, trang trí bằng hình vẽ những cây xanh trên nền màu xanh da trời. Hài cốt đã hóa xác ướp một phần và được đặt trong một hốc kín của lăng mộ với trần hình vòm. Theo Guardian, đây là một trong những bộ hài cốt được bảo quản tốt nhất từng được phát hiện tại Pompeii. Trên hộp sọ vẫn thấy khá rõ mái tóc cắt rất ngắn và một bên tai.
Lăng mộ của Secundio còn chứa hai bình tro cốt, trong đó có một bình thủy tinh xanh tinh xảo khắc tên của một phụ nữ, Novia Amabilis, có thể là vợ của Secundio.
Theo các nhà khảo cổ, hỏa táng là phương pháp chôn cất phổ biến nhất với người Pompeii thời La Mã. Vì thế việc phát hiện bộ hài cốt của ông Secundio là điều bất thường. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân Secundio không được hỏa táng, cũng chưa rõ thi thể hóa xác ướp một cách tự nhiên hay được xử lý để tránh phân hủy. Sẽ cần thêm thời gian để họ giải mã được bí ẩn này.
Minh Hoa (t/h)