Sau khi phát hiện ra hành tinh có tên K2-18B vào năm 2015 bởi kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm một "người anh em" của nó với tên gọi K2-18c.
Những quan sát ban đầu cho thấy K2-18b nằm trong quỹ đạo của ngôi sao lùn đỏ K2-18, thuộc chòm sao LEO, cách Trái đất khoảng 111 năm ánh sáng. K2-18b rộng khoảng 2,2 lần Trái Đất, vì vậy nó còn được đặt biệt danh là một “siêu Trái đất”.
Một nhóm các nhà thiên văn học đã tiến hành nghiên cứu hành tinh này bằng các thiết bị chuyên dụng có tên HARPS được cài đặt trên một kính viễn vọng dài 11,8 foot (3,6 mét) tại đài quan sát La Silla ở Chile.
HARPS có thể phát hiện ra những dao động cực nhỏ của các hành tinh quay quanh các ngôi sao chủ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai phương án: K2-18b có thể là một hành tinh đá với một bầu khí quyển mỏng, tương tự Trái đất hoặc một hành tinh với lớp vỏ băng bao bọc.
Ryan Cloutier, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Với những dữ liệu hiện tại, chúng ta không thể phân biệt rõ nó thuộc khả năng nào trong 2 phương án trên. Tuy nhiên, với kính viễn vọng không gian Jame Webb, chúng ta có thể quan sát bầu khí quyển của nó và xem nó có bầu không khí rộng lớn hay chỉ là một hành tinh phủ đầy nước”.
K2-18b là một trong những mục tiêu tốt nhất để nghiên cứu về các bầu khí quyển. Quỹ đạo của nó xung quanh ngôi sao mẹ chỉ mất 33 ngày.
Trong quá trình quan sát, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một tín hiệu khác trong dữ liệu HARPS, được lưu trữ mỗi 9 ngày. Đó là một hành tinh mới được đặt là K2-18c với kích cỡ tương tự K2-18b nhưng ở gần ngôi sao chủ hơn và có nhiệt độ cao khủng khiếp.