Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 3959/QĐ-BYT, số lượng bác sĩ/1 giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I bình quân là 0,101 (có nghĩa là 1,1 bác sĩ/10 giường bệnh), tại bệnh viện hạng II là 0,084, tại bệnh viện hạng III là 0,083 và bệnh viện hạng IV là 0,082 (định mức này có khác nhau giữa các khoa lâm sàng).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bệnh viện đã tự kê thêm giường bệnh với số lượng nhiều hơn rất nhiều so với giường kế hoạch được giao và cũng vượt đáng kể định mức nhân lực quy định nêu trên.
Phải kể đến trong số đó là bệnh viện Đa khoa huyện hạng II của tỉnh Thanh Hóa, có 98 cán bộ nhân viên, trong đó có 21 bác sĩ, giường kế hoạch được giao là 80 giường nhưng thực tế bệnh viện đã kê 300 giường bệnh, tỉ lệ nhân lực/1 giường bệnh là 0,3.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La là bệnh viện hạng II, có 113 cán bộ nhân viên, trong đó có 20 bác sĩ, giường kế hoạch là 120 giường nhưng thực kê là 332 giường, tỉ lệ nhân lực/1 giường bệnh là 0,3.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An là bệnh viện hạng I, có tổng số 198 bác sĩ, số giường theo kế hoạch là 1.000 giường, thực tế bệnh viện đã kê 1.684 giường.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là bệnh viện hạng I, số giường kế hoạch là 550 giường nhưng bệnh viện thực kê 965 giường.
Nhiều giường bệnh kê thêm không đảm bảo tiêu chuẩn như kê ở những phòng không có điều hòa, kê ở hành lang… Việc không đảm bảo đủ nhân lực cho 1 giường sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị.
Mặt khác, việc kê thêm giường bệnh như trên cũng dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết.
Qua các đợt kiểm tra đột xuất, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 43/43 bệnh nhân điều trị nội trú của khoa Đông y - Phục hồi chức năng và 43/43 bệnh nhân của khoa Liên chuyên khoa của một bệnh viện không nằm điều trị nội trú ban đêm, các khoa, phòng của cả 2 khoa đều đóng cửa, tắt đèn.
Bên cạnh đó, việc nhiều cơ sở KCB không thực hiện đúng quy trình khám bệnh đã ban hành cũng được BHXH Việt Nam nhắc tới.
Cụ thể, theo Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 của bộ Y tế ban hành định mức nhân lực và thời gian làm cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bình quân 1 bác sĩ khám/ngày (8 giờ làm việc) tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 45 lượt, bệnh viện hạng II, hạng III là 35 lượt, bệnh viện hạng IV là 33 lượt.
Đồng thời, Quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của bộ Y tế quy định: Phấn đấu năm 2015 tối đa mỗi buồng khám trung bình 50 người bệnh/1 ngày (8 giờ), năm 2020 tối đa 35 người bệnh/1 ngày, trường hợp số lượng người bệnh tăng đột biến thì phấn đấu tối đa mỗi buồng khám không tăng quá 30% chỉ tiêu trên.
Cũng tại Mục IV của Quy trình khám bệnh nêu trên, bộ Y tế hướng dẫn các giải pháp để thực hiện quy trình, trong đó cơ sở KCB phải cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh bằng cách: Bố trí mặt bằng đủ rộng, tăng số lượng bàn khám bệnh, tăng cường nhân lực làm việc tại các khâu tiếp đón, khám bệnh…
Tại Mục V của Quy trình, bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho Giám đốc bệnh viện phải quy định cụ thể quy trình khám bệnh của bệnh viện, cục Quản lý KCB và Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình khám bệnh.
Tuy nhiên, Quy trình khám bệnh đã ban hành thực hiện được 3 năm nhưng nhiều cơ sở KCB không thực hiện đúng quy trình này.
Thực tế tại các cơ sở KCB thời gian qua, số lượng người bệnh khám chữa bệnh ngoại trú/1 bàn khám/1 ngày vượt chỉ tiêu nêu trên gấp nhiều lần, ví dụ tại tỉnh Nghệ An: Bệnh viện đa khoa thành phố có ngày số lượng bệnh nhân/1 bàn khám/ngày là 180 người; có bệnh viện đa khoa tuyến huyện số lượng bệnh nhân/1 bàn khám/ngày là 120 người...
Về định mức Vật tư y tế (VTYT), kiểm toán chi phí KCB BHYT năm 2015 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho thấy, số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật của toàn viện chỉ bằng 30% so với định mức găng tay được tính trong 2 dịch vụ khám bệnh và ngày giường bệnh, số tiền chênh lệch lên tới 1,2 tỷ đồng; tại bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình, số kim châm cứu thực tế sử dụng chỉ bằng 5% số kim châm cứu theo định mức, số tiền chênh lệch lên tới 1,7 tỷ đồng...
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng bộ Y tế, bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT tại các cơ sở KCB. Đồng thời, phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực tế thực hiện dịch vụ KCB tại cơ sở KCB các tuyến để xem xét sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm bù đắp chi phí thực tế thực hiện dịch vụ, đảm bảo công bằng và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT.
Ngoài ra cũng thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa thực tế sử dụng của cơ sở KCB với định mức nhân lực, thời gian và thuốc, VTYT được xây dựng làm cơ sở tính giá dịch vụ do bộ Y tế quy định như: Găng tay, kim châm cứu, giấy in kết quả siêu âm, dịch lọc thận nhân tạo, bơm kim tiêm, số lượt khám bình quân/bàn khám/ngày, thời gian để thực hiện dịch vụ kỹ thuật...
Điều này chưa đúng với quy định tại Điều 11, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên bộ Y tế - bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, thanh toán theo giá dịch vụ là phương thức thanh toán dựa trên chi phí của thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở y tế.
Nguyễn Huệ