Thông qua kính viễn vọng Hubble, các nhà khoa học vừa phát hiện ra hành tinh có màu xanh giống Trái đất của chúng ta nhưng có nhiệt độ lớn hơn nhiều và thường xuyên xảy ra các trận mưa thủy tinh. Hành tinh này được đặt tên là HD 189733b và nằm cách chúng ta 63 năm ánh sáng.
HD 189733b có màu xanh giống Trái Đất và thường xuyên có mưa thủy tinh.
Nhìn từ xa, HD 189733b rất giống Trái đất nhưng do vị trí nằm quá gần mặt trời của nó khiến cho nhiệt độ ở hành tinh này lên tới 1000 độ C. Tốc độ gió đạt tới 7.000 km/h khi xảy ra những trận mưa thủy tinh. Chính vì vậy, dù có màu xanh nhưng sự sống không thể tồn tại trên hành tinh này được.
Theo các nhà khoa học, màu xanh của hành tinh HD 189733blà màu của các đám mây cao, dày, chứa nhiều phân tử silicate trong khí quyển. Trong khi đó, màu xanh của Trái đất được tạo ra khi các đại dương hấp thụ các màu sắc khác trong ánh sáng mặt trời trừ màu xanh và khiến nó chiếu ngược lại không gian. Nhiệt độ cao khiến đại dương không thể tồn tại trên hành tinh này.
Vị trí của hành tinh này so với ngôi sao chính của nó.
Hành tinh độc đáo này cách ngôi sao của nó 4,7 triệu km và nhiệt độ chênh lệch giữa ngày đêm có thể lên tới 260 độ C. Khí quyển của hành tinh HD 189733b khá là hỗn loạn, dễ thay đổi và kỳ cục.
Hành tinh này được xếp vào một lớp chưa được xếp loại gọi là "sao Mộc nóng", những hành tinh có quỹ đạo gần ngôi sao của mình. Các nhà khoa học đã dùng các biện pháp đo đạc từ máy quang phổ hình ảnh của Hubble để xác định màu sắc của nó.
Theo Đất Việt