Giới nghiên cứu ở Nhật Bản mới đây xác nhận sự hiện diện của vi nhựa trong các đám mây, không lâu sau khi các hạt nhựa siêu nhỏ được phát hiện ở trong cơ thể cá ở vùng sâu nhất của đại dương và rải rác trong băng ở Bắc Cực.
Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết mỗi mẫu nước thu được từ sương mù trên đỉnh núi Phú Sĩ và núi Oyama, phía tây Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, có thể chứa từ 6 - 14 mảnh nhựa. Khi các hạt này tiếp cận tầng khí quyển và tiếp xúc với bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời, chúng sẽ phân hủy, góp phần tạo ra khí nhà kính.
Cho đến nay người ta biết rất ít về tác động mà các hạt vi nhựa có thể gây ra, nhưng chúng có thể bao gồm tác động đến khí hậu.
Theo đó, hạt vi nhựa có thể trở thành một số "hạt giống" khiến các giọt mây xung quanh ngưng tụ thành hạt mưa, do đó làm tăng lượng mây thoát ra và tổng lượng mưa.
Các nhà nghiên cứu cho biết các hạt vi nhựa trong đám mây rơi xuống đất dưới dạng nước mưa sau đó có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ông Hiroshi Okochi thuộc Đại học Waseda, tác giả chính của nghiên cứu trên, cảnh báo nếu vấn đề không được giải quyết một cách chủ động, rủi ro về biến đổi khí hậu có thể trở thành hiện thực với tác động không thể đảo ngược, theo AFP.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, TTXVN)