Ngày 28/10 phát biểu với báo giới, ông Net Pheaktra, phát ngôn viên bộ Môi trường Campuchia cho biết, mẫu hóa thạch này được tìm thấy từ năm 2021 nhưng không công bố rộng rãi vì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá. Sau quá trình phân tích, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã xác nhận, đây là mẫu hóa thạch khủng long, có niên đại từ 65 đến 190 triệu năm trước.
Mẫu hóa thạch này được phát hiện ở khu bảo tồn động vật hoang dã Ta Tay, tỉnh Koh Kong phía Tây Nam Campuchia. Hóa thạch này nằm trong đá có độ dài khoảng 70cm và rộng 20cm. Về địa chất, hóa thạch này nằm ở trong đá và nếu so với các đảo và núi xung quanh thì thấp hơn khoảng 30 - 40m.
Theo ông Net Pheaktra, hóa thạch này sẽ cung cấp rất nhiều thông tin, đặc biệt về lịch sử hình thành đất nước và nguồn gốc những khu vực có liên quan đến lịch sử loài khủng long. Hiện nay, lực lượng chức năng đã tăng cường bảo vệ khu vực phát hiện hóa thạch này nhằm ngăn chặn sự tác động từ bên ngoài, đảm bảo cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn.
Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân của ông Say Samal, Bộ trưởng Môi trường Campuchia, có đăng hình ảnh một đoạn xương động vật lộ ra trên một mảng đá, kèm dòng trạng thái ngắn “Hóa thạch xương khủng long đầu tiên phát hiện ở Campuchia.”
Đây là lần thứ hai các quan chức môi trường Campuchia công bố phát hiện hóa thạch khủng long trên đảo Koh Por, sát Khu bảo tồn động vật hoang dã Tatai, thuộc xã Bak Klong.
Theo bản đồ địa chất, khu vực này thuộc kỷ thứ II, có niên đại cách đây khoảng 65 -190 triệu năm, có thể liên quan đến các loài động vật sống trong thời kỳ khủng long còn tồn tại.
Trước đó, ngày 9/3/2021, ông Lim Vannchan, Chánh Văn phòng Cục Di sản, Tổng cục Cộng đồng địa phương, cũng đã công bố phát hiện một mẫu hóa thạch vùi trong đá dài 70cm, rộng 20cm.
Ông Vanchan cũng cho biết hình ảnh hóa thạch đã được cống bố tại một hội nghị quốc tế vào tháng 11/2021, với sự tham gia của các chuyên gia từ Mỹ, Pháp và Thái Lan, theo Phnompenh Post.
Trúc Chi (theo Vietnam+, VOV)