Nằm cách bờ biển Hampshire từ 3 đến 7 km, đảo Wight là một thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách du lịch, nhưng hàng trăm triệu năm trước đây, nó từng là nơi cư trú của nhiều loài khủng long với số lượng lớn hóa thạch còn được lưu giữ cho tới ngày nay.
Trong một nghiên cứu xuất bản hôm 29/9 trên tạp chí Scientific Reports, các nhà cổ sinh vật học từ đại học Southampton cho biết vừa tiếp tục phát hiện thêm các mảnh hóa thạch hộp sọ và xương đuôi có niên đại cách đây khoảng 125 triệu năm, thuộc về 2 loài khủng long ăn thịt chưa từng được biết đến.
Họ đặt tên cho hai loài khủng long mới lần lượt là Ceratosuchops inferodios nghĩa là "diệc địa ngục có sừng, mặt cá sấu" và Riparovenator milnerae mang nghĩa "Thợ săn bờ sông". Cả hai đều là hiện thân của các loài khủng long Spinosaurid ban đầu, họ hàng của loài Spinosaurus lưỡng cư mặt cá sấu kỳ lạ.
Trước đây, một loài Spinosaurid từng được tìm thấy ở Anh là loài săn mồi có móng vuốt lớn Baryonyx, phát hiện ở Surrey vào năm 1983. Chris Barker, nghiên cứu sinh tại đại học Southampton, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy 2 hộp sọ loài mới là khác nhau và khác với Baryonyx. Điều này chứng tỏ Vương quốc Anh sở hữu sự đa dạng các loài khủng long Spinosaurid hơn so với hiểu biết trước đây''.
Ceratosuchops inferodios có phong cách săn mồi tương tự loài diệc ngày nay và đặc trưng bởi khuôn mặt giống như cá sấu cùng một chiếc sừng ngắn trên đầu.
Diệc chủ yếu sử dụng chiếc mỏ dài để bắt sinh vật thủy sinh xung quanh rìa của các dòng nước. "Diệc địa ngục có sừng" cũng vậy nhưng có chế độ ăn linh hoạt hơn. Với chiếc miệng khổng lồ và bộ hàm rắn chắc chúng có thể săn cả các loài động vật lớn trên cạn.
"Ceratosuchops inferodios thường lội xuống các vùng nước nông để bắt cá, rùa và cá sấu non, đồng thời có thể săn động vật có vú và các loài khủng long khác trên cạn. Giống loài diệc, chúng nhanh nhẹn và có thể dễ dàng hạ gục con mồi", David Hone, giảng viên cao cấp và giám đốc chương trình khoa học sinh học tại đại học Queen Mary ở London, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Cả hai loài khủng long đều dài tới khoảng 9m và có hộp sọ dài 1m. Chúng có thể có phong cách săn mồi khác nhau, điều này cho phép 2 loài tìm thấy nhiều thức ăn hơn trong cùng một môi trường săn mồi. Có vẻ kỳ lạ khi có hai loài khủng long ăn thịt giống nhau và có quan hệ gần gũi với nhau trong cùng một hệ sinh thái, nhưng điều này là phổ biến đối với loài khủng long và nhiều hệ sinh thái khác, nhà nghiên cứu David Hone cho biết.
Phát hiện mới còn chỉ ra nhóm các loài khủng long thuộc họ Spinosaurid có thể đã tiến hóa lần đầu tiên ở khu vực ngày nay là châu Âu trước khi di cư sang châu Á và siêu lục địa Gondwana - sau này tách thành châu Phi và Nam Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xây dựng một cây phả hệ, đặt các loài Spinosaurid mới vào một nhánh riêng biệt được gọi là baryonychines, tách ra từ nhánh Spinosaurines đã sinh ra khủng long Spinosaurus khoảng 145 triệu năm trước.
Được biết hóa thạch của hai kẻ săn mồi trên sẽ sớm được trưng bày tại Bảo tàng Đảo Khủng long ở Sandown, Wight.
Minh Hoa (t/h)