Chiều ngày 27/1, Hội nghị Tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị.
Năm 2023, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi của thời tiết, khí hậu; xung đột tại một số quốc gia đã làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung.
Mặc dù vậy, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tóm tắt kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản ngành, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Năm 2023, diện tích trồng rừng năm 2023 đạt khoảng 250.000 ha, trồng phân tán đạt 127 triệu cây; tỉ lệ che phủ rừng đạt với 42,02%, đạt mục tiêu đề ra”.
Về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ông Lực thông tin, năm 2023 đã phát hiện 3.327 vụ phá rừng, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha. Xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng là 674,5 ha, trong đó: Diện tích rừng có khả năng phục hồi khoảng 487,5 ha.
Về xuất nhập khẩu lâm sản, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 14.390 tỷ đồng, giảm 15,8% so với năm 2022. Nguyên nhân được Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết là do thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga - Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
“Năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon cho Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD”, ông Lực chia sẻ.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Song song với đó, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.
Về một số khó khăn, tồn tại, ông Triệu Văn Lực cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.
Ngoài ra, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp... Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Về các chỉ tiêu cơ bản ngành lâm nghiệp trong năm 2024, ông Lực chia sẻ: “Toàn ngành lâm nghiệp phấn đấu trong năm 2024, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%”.
Bên cạnh đó, phấn đấu diện tích trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; giá trị xuất khẩu lâm sản: 17,5 tỷ USD.