Theo Live Science, loạt đồ bạc được phát hiện gần Old Ryazan - một trong những thành phố cổ kính nhất của Nga và là nơi xảy ra cuộc tấn công ác liệt của quân Mông Cổ vào năm 1237.
Kho báu được chôn gần một khe núi cách 2 khu định cư nhỏ thời Trung Cổ vài trăm mét. Theo Viện hàn lâm Khoa học Nga (Russian Academy of Sciences - RAS), các nhà khoa học cũng tìm thấy phần còn lại của một chiếc thùng hình trụ có thể làm từ vỏ cây bạch dương, từng dùng để đựng số đồ bạc này.
Kho trang sức nặng 2,1 kg; gồm nhẫn 7 tia, vòng tay, mặt dây chuyền, tất cả đều bằng bạc và được chế tạo vô cùng tinh xảo. Trong đó, nhẫn 7 tia được cho là du nhập từ Viễn Đông và đã trở thành một nét đặc trưng của đồ trang sức Nga thời Trung Cổ. Một số đồ vật khác như mũ, bát kim loại cũng được tìm thấy.
Sự đa dạng của chúng khiến các chuyên gia tin rằng đây là kho của cải tích lũy chứ không phải bộ trang sức được sử dụng với mục đích làm đẹp đơn thuần.
Theo các chuyên gia, việc giấu kho báu để quân Mông Cổ xâm lược không tìm thấy dường như khá phổ biến. Họ đã khai quật được hơn 10 kho báu ở khu vực này, bao gồm kho báu Old Ryazan- một tập hợp các trang sức hoàng gia được tình cờ phát hiện vào thế kỷ 19, hiện trưng bày tại một nhà thờ.
Căn cứ vào kiểu dáng trang sức và những đồ gốm được tìm thấy xung quanh các nhà khảo cổ tại RAS nhận định số đồ bạc mới phát hiện có vẻ được giấu trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12, khoảng 100 năm trước cuộc xâm lược của Mông Cổ.
Như vậy, kho báu này lâu đời hơn kho báu Old Ryazan và bao gồm đồ trang sức làm bằng các kỹ thuật đơn giản hơn, theo phong cách cổ xưa hơn. Nhóm chuyên gia cho biết, những nghiên cứu sâu hơn về từng món đồ sẽ mang lại thêm thông tin về lịch sử của Old Ryazan.
"Những nghiên cứu sâu hơn về các món đồ kho báu, kỹ thuật chế tạo chúng, thành phần của kim loại sẽ bổ sung cho hiểu biết của chúng ta về lịch sử ban đầu của Old Ryazan. Chúng còn có thể tiết lộ bối cảnh lịch sử của việc cất giấu kho báu", nhà nghiên cứu Alexander Morozov từ RAS nhận định.
Minh Hoa (t/h)