Kho vàng trong ngôi mộ vài nghìn tuổi
Theo thông tin từ giới khảo cổ học, kho báu 2.400 tuổi được tìm thấy cách đây ít ngày khi các chuyên gia tiến hành khai quật gần ngôi làng Sveshtari, cách thủ đô Sofia (Bulgaria) khoảng 400km về phía đông bắc. Trưởng nhóm khảo cổ Diana Gergova cho biết, các cổ vật tìm thấy có niên đại vào cuối thế kỷ thứ III đầu IV trước Công nguyên.
Trong kho báu khổng lồ có rất nhiều vàng, bạc và một số đồ trang sức của hoàng gia như vòng tay, nhẫn, nhiều phù hiệu nhỏ in hình sư tử hoặc các động vật khác tượng trưng cho quyền lực, tín ngưỡng. Trong đó còn có những bình nước bằng bạc hình tù nhân được chế tác cực kỳ tinh xảo, cùng rất nhiều mảnh áo giáp và yên ngựa bằng vàng hoặc bạc.
Trong số các cổ vật được tìm thấy còn có những chiếc vòng vàng được khảm hình đầu rắn, một chiếc mũ miện được trang trí các mô típ động vật và một hiện vật có hình đầu ngựa. Nhóm khảo cổ còn đào được một chiếc nhẫn vàng, 44 hiện vật hình bán thân phụ nữ và 100 chiếc cúc vàng.
"Đây là những phát hiện hết sức ấn tượng. Chúng bắt nguồn từ thời kỳ đỉnh cao của nhà Getae (thuộc Tây Ban Nha). Các cổ vật làm từ vàng này có niên đại hàng nghìn năm và được tìm thấy tại hầm mộ lớn nhất trong 150 hầm mộ cổ của bộ tộc Thracian Getae", Diana Gergova cho biết thêm.
Cho tới thời điểm này, giới khoa học đã phát lộ hơn 19.000 ngôi mộ cổ của người Thracia ở Bulgaria. Người Thracia không hề để lại di vật nào dưới hình thức văn bản mà hầu hết là các hiện vật. Trước đó, vào năm 2004, các nhà khảo cổ cũng khai quật được một kho vàng bạc lớn và chiếc mặt nạ bằng vàng, một số vật dụng bằng đồng trong lăng mộ của người Thracia ở xứ sở hoa hồng. Vì vậy, những nét văn hóa, phong tục, tập quán của người Thracia vẫn còn là ẩn số và việc khám phá ra ngày càng nhiều di vật của người Thracia lưu sẽ giúp các nhà khoa học dần vén được bức màn bí hiểm của tộc người cổ nhất châu Âu.
Kho báu 2.400 tuổi của người Thracia.
Theo GS Bozhidar Dimitrov, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Bulgari, kho báu trên được phát hiện đã gây sửng sốt trong giới khoa học. Dưới lòng đất, trong những lăng mộ vài nghìn năm tuổi còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn về người Thracina. "Đây là nghi lễ mai táng thuộc loại cực kỳ giàu có, cho phép đưa ra giả thiết người được chôn trong mộ là một ông vua xứ Thracia", GS Dimitrov cho biết.
Thi thể của vị vua được đặt bên trong một quan tài gỗ tấm đồ sộ, bên cạnh là hai con ngựa và một con chó. Điều này khác với nghi thức truyền thống của người Thracia, theo đó nhà vua thường được chôn cất bên trong các quan tài bằng đá lớn dưới lòng đất. "Những đồ gốm Hy Lạp tìm được trong mộ cho phép chúng tôi ước lượng niên đại của ngôi mộ là từ năm 360 đến 370 trước Công nguyên. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục khai quật và những phát hiện mới lộ ra liên tục cứ sau 10 phút một, theo đúng nghĩa đen", ông Dimitrov nói thêm.
Bí ẩn tộc người cổ nhất châu Âu
Theo những tài liệu cổ còn ghi chép lại, dân cư bản xứ của Thrace được gọi là người Thracia, chia thành nhiều bộ tộc. Quân đội Thracia được biết đến khi họ theo người láng giềng là Alexander đại đế vượt qua Hellespont tiếp giáp với Thrace và chiếm lấy đế chế Ba tư. Người Thracia đã không cố gắng để tạo thành một tổ chức chính trị lâu dài cho đến khi vương quốc Odrysian được thành lập trong thế kỷ IV trước Công nguyên.
Giống như người Illyrians, các khu vực miền núi là nhà của những bộ tộc Thracia dũng mãnh và thiện chiến. Trong khi những cư dân ở khu vực đồng bằng thể hiện sự hòa bình hơn, tiếp thu ảnh hưởng từ người Hy lạp.
GS Dimitrov cho biết, người Thracia từng sống tại nơi là Bulgaria ngày nay và một vài phần ở Hy Lạp, Romania, Macedonia và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 4.000 trước Công nguyên tới thế kỷ VIII. Sau đó họ bị người Slavs đồng hóa. Những người Thracian dưới sự lãnh đạo bởi một tầng lớp quý tộc hùng mạnh đã nắm trong tay rất nhiều kho báu làm từ vàng. Họ sinh sống tại một khu vực trải rộng từ Romania hiện đại kéo dài sang Bulgaria, Bắc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước Công nguyên.
Các nhà khảo cổ cũng cho biết, người Thracia sống bên rìa các nền văn minh Hy Lạp và La Mã, thường hòa lẫn hoặc xung đột với các nền văn hóa tiên tiến này, cho tới khi họ bị sáp nhập vào đế chế La Mã trong khoảng năm 45 sau Công nguyên. Hệ thống lăng mộ của người Thracia ở Kazanlak được phát hiện là ngôi mộ mái vòm, xây bằng gạch tổ ong và là một phần của một nghĩa trang rộng của người Thracia. Ngôi mộ này gồm có 1 hành lang hẹp và 1 phòng mộ hình tròn. Cả hành lang và phòng mộ đều có tranh tường mô tả 1 cặp vợ chồng người Thracia trong 1 buổi tang lễ.
Tranh tường này mô tả các con ngựa đẹp và đặc biệt cảnh 2 vợ chồng chia tay nhau trong tư thế ngồi trên lưng ngựa, trong đó 2 vợ chồng nắm chặt cổ tay nhau trong giây phút âu yếm nhất. Các tranh này là những tuyệt tác nghệ thuật của Bulgaria từ thời Hy lạp cổ còn được bảo quản tốt. Ngôi mộ này được xây từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và được phát hiện vào năm 1944. Năm 1979, UNESCO đã công nhận mộ người Thracia ở Kazanlak là di sản thế giới.
Các nhà khảo cổ cũng cho biết, một số mẫu trang sức cổ nhất làm bằng vàng và những vũ khí, hoặc dụng cụ lao động kim loại đã được tìm thấy tại Bulgaria và bờ biển Đen. Chính khám phá này làm cho người ta nghĩ rằng đây là cái nôi sinh ra những sản phẩm kim loại đầu tiên của thế giới. Ngày nay, những vùng đất sát biên giới của Bulgaria được cho là một phần của những nền văn minh cổ, bao gồm cả văn hóa của người Thracia. Nhà khảo cổ học người Bulgaria Nikolay Ovcharov từng tìm thấy một bức phù điêu bằng gốm hình người kỵ sĩ Thracia, một vị thần quan trọng thời cổ đại, tại thành phố đá Perperikon thiêng liêng.
Đây được coi như một phát hiện đặc biệt quý giá từ thời kỳ người Thrace bắt đầu tôn thờ người gọi là “Kỵ sĩ Thracia” như một vị thần và cũng được biết đến như những vị anh hùng của Thracia. Phù điêu này là một phần của chiếc bình đựng di cốt, nó mô tả hình dáng một kỵ sĩ cầm dây cương ở tay phải và một vật giống như thanh kiếm ở tay trái.
Ovcharov giải thích rằng những hiện vật tương tự trước đây đều có niên đại từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên và bao gồm các phù điêu khảm vàng hoặc bạc. Phù điêu bằng gốm có hình kỵ sĩ Thracia mới tìm thấy này là nguyên thủy nên được dùng là hiện vật để chứng minh rằng nó bắt nguồn từ văn hóa Thracia trong thời kỳ đầu của Hy Lạp cổ đại.
Người Thracia là một trong ba tổ tiên chính của người Bulgaria hiện đại, đã để lại các dấu vết vẫn còn lại ở vùng Balkan dù đã trải qua nhiều thiên niên kỷ. Họ sống trong những bộ tộc riêng rẽ cho tới khi vua Teres thống nhất hầu hết các bộ lạc vào khoảng năm 500 trước Công nguyên tại Vương quốc Odrysian. Bộ lạc sau này phát triển lên tới đỉnh điểm dưới thời vua Sitalces (431-424 trước Công Nguyên) và vua Cotys I (383-359 trước Công nguyên). Sau đó Đế chế Macedonia đã sáp nhập vương quốc Odrysian và Thracians thành một khối không thể chuyển nhượng trong các chuyến viễn chinh của cả Philip II và Alexander III (Đại đế). |
Anh Văn