Theo Live Science, anh em Nico và Wim van Schaijk, hai nhà khảo cổ nghiệp dư đã tìm thấy 107 đồng xu La Mã và 1 chiếc rìu bằng máy dò kim loại tại ven sông Aa, làng Berlicum (Hà Lan) vào năm 2017. Số tiền gồm 4 đồng denarius bạc, 103 đồng sesterce bằng đồng (trị giá bằng 1/4 denarius). Họ đã báo cáo phát hiện của mình cho cơ quan Cổ vật Di động Hà Lan (PAN).
Tổ chức Portable Antiquities của Hà Lan sau đó tiếp tục khảo sát và tìm thấy 1 mặt dây chuyền, 1 dây nịt ngựa và 2 đồng xu La Mã, nâng tổng số tiền xu lên 109 đồng. Số "kho báu" trên có niên đại trên dưới 2.000 năm: Các đồng xu được đúc vào năm 27 trước Công nguyên đến năm 180 sau Công nguyên, mặt dây chuyền có niên đại khoảng từ năm 120 đến năm 300 sau Công nguyên.
Việc những đồng xu có giá trị không quá cao (không có đồng vàng nào) nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn thay vì chôn cùng nhau, được đúc trong giai đoạn kéo dài hơn 200 năm cho thấy chúng không phải do một người hoặc nhóm người cụ thể cất giấu mà do nhiều người khác nhau bỏ lại.
"Đây có thể là một phong tục tiền La Mã, được duy trì trong thời kỳ La Mã nhưng theo một cách khác, và có thể vẫn tồn tại", Tiến sĩ Liesbeth Claces từ đại học Leiden, nhận định.
Phong tục này là việc "cúng" thủy thần tiền xu hoặc vật phẩm nào đó để có thể bình an đi qua một ngã ba sông hiểm trở gần đó. Vì niềm tin kéo dài hàng thế kỷ nên những vật bị bỏ lại bên bờ sông thuộc nhiều niên đại khác nhau.
"Kể cả sông Aa không chảy xiết, đối với các thương nhân, việc vận chuyển hàng hóa an toàn qua sông vô cùng quan trọng. Hơn nữa, vào thời cổ đại, các dòng sông luôn có mối liên hệ linh thiêng nào đó", Tiến sĩ Liesbeth Claes bổ sung. Những điều này càng củng cố thêm cho giả thuyết tiền xu là vật cúng tế.
"Thời La Mã" chính là giai đoạn đế quốc La Mã bành trướng, chiếm đóng nhiều khu vực ở châu Âu nhưng cũng “bổ sung” cho các nền văn minh trong khu vực nhiều điều đặc biệt.
Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ nhiều chi tiết về kho báu này, cộng với một số bằng chứng khảo cổ khác, làm dấy nên mối nghi ngờ về một pháo đài La Mã còn ẩn mình bên bờ sông. Vì thế, việc dò kim loại tự phát bên bờ sông hiện đã bị kiểm soát để các nhà khảo cổ bắt tay vào thực hiện các cuộc tìm kiếm chuyên nghiệp hơn.
Minh Hoa (t/h)