Đây là kết quả nghiên cứu được Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) công bố sáng 23-7 tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống”.
Theo đó, trong đầu tháng 7, đơn vị này đã lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên với 9 mẫu nước uống đường phố thông thường gồm: nước trà xanh (đá), nước trà bát bảo, nước mía, nước ngô, trà chanh, nước trà nhân trần, nước vối và nguyên liệu khô tiền pha chế (nhân trần khô) tại các phố Nhà Thờ, Hoàng Cầu, Lãn Ông, Đê La Thành, Cát Linh và xét nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn của Viện TPCN Việt Nam.
Kết quả cho thấy với 1 mẫu nước trà chanh lấy ở phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm) có vi khuẩn E.coli (vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân thường gây bệnh đường ruột). Các mẫu nước mía, nhân trần, nước ngô (lấy ở phố Đê La Thành), mẫu trà Bát bảo ở phố Cát Linh (quận Ba Đình) đều phát hiện có sự tồn tại của vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, các vi khuẩn hiếu khí, men mốc, thủy ngân, chì cũng được phát hiện trong một số mẫu nước này.
Đặc biệt, với 1 mẫu nhân trần khô được lấy tại phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm), phát hiện có cả men mốc, E.coli, B.cereus (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm), chì và cadimi.
Trà chanh phố Nhà Thờ (Hà Nội)
Theo PGS-TS Hồ Bá Do, phó Viện trưởng Viện TPCN Việt Nam, 90% số mẫu xét nghiệm có phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, 100% mẫu nhiễm B.cereus, 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí; 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc và hơn 30% số mẫu phát hiện hàm lượng kim loại nặng (chì, thủy ngân…).
PGS Do cho biết men mốc có thể sinh ra độc tố Mycotoxin và Aflatoxin, sử dụng lâu dài dễ sinh ra nhiễm độc cấp tính và mạn tính, làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cho biết đây là những nghiên cứu thăm dò ban đầu. Để đánh giá toàn diện và chính xác hơn về thức uống đường phố cần có những nghiên cứu ở quy mô lớn hơn với số lượng mẫu nhiều hơn.
Cảnh báo khuẩn E.coli kháng thuốc tại Việt Nam Tỷ lệ đa kháng của E.coli tại nước ta khoảng 20-25%, tỷ lệ tử vong cao. Các bác sĩ từng ghi nhận trường hợp khuẩn này chứa men NDM-1, mà thế giới gọi là "siêu vi khuẩn" vì kháng nhiều loại kháng sinh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, tiêu chảy do E.coli là bệnh thường xuyên ở nước ta, lây theo đường phân-miệng, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Với một số trường hợp kháng thuốc - gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ - điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm, nếu không tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Theo ông, tại Việt Nam, nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli đứng hàng thứ 2 trong số các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm. Đặc biệt là E.coli chứa men NDM-1, từng gây các vụ dịch trước đây ở Thụy Điển, Đức, tỷ lệ tử vong khá cao. "Chúng ta đã tìm thấy các khuẩn E.coli có men trên tại Việt Nam. Một số trường hợp tử vong, một số trường hợp may mắn cứu được, điều trị phối hợp nhiều loại thuốc. Nhìn chung tỷ lệ tử vong không cao như ở châu Âu", tiến sĩ Kính nói. |
Phú Sang