Theo Live Science, các nhà khoa học phát hiện ra người Maya xây dựng kim tự tháp Campana cách đây khoảng 1.500 năm từ những mảnh đá núi lửa văng ra trong một vụ phun trào.
Kim tự tháp đồ sộ cao 22m, nằm trong thung lũng Zapotitán, gần làng cổ San Andrés. Ngôi làng cổ này đã bị chôn vùi bởi lớp tro dày và vật liệu đá nóng sau vụ phun trào năm 539 sau Công Nguyên, nơi vốn chỉ cách núi lửa 40km. Dù không bị dung nham trực tiếp thiêu rụi nhưng ngôi làng không tránh khỏi cơn mưa tro bụi từ siêu núi lửa.
Vụ phun trào có tên Tierra Blanca Joven (TBJ), được coi là sự kiện núi lửa lớn nhất Trung Mỹ trong 10.000 năm qua. Ngọn núi tạo ra những dòng dung nham dài hàng chục km, phun lượng tro bụi khổng lồ khiến khí hậu Bắc bán cầu lạnh đi. Do sức mạnh hủy diệt của núi lửa, các nhà khoa học từng cho rằng nhiều khu định cư của người Maya trong vùng có thể trở thành miền đất chết hàng thế kỷ.
Tuy nhiên, người Maya quay trở lại sớm hơn nhiều so với dự tính của họ. Nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư khảo cổ học Akira Ichikawa từ Đại học Colorado (Mỹ) cho biết người Maya đã bắt đầu khởi công kim tự tháp trong khoảng 5-30 năm sau vụ phun trào.
Phân tích mới cũng hé lộ, người Maya sử dụng chính tro và đá nguội từ núi lửa, trộn với đất để xây nên nền móng vững chắc cho kim tự tháp được đặt tên là Campana. Điều này có thể phản ánh ý nghĩa tâm linh của núi lửa trong văn hóa Maya, theo Ichikawa.
Kim tự tháp Campana cao khoảng 13m, được xây trên đỉnh của một bệ cao 6m, dài 80m và rộng 55m. Bệ này cũng có 4 bậc thềm rộng và một cầu thang lớn ở trung tâm. Đây là công trình công cộng đầu tiên mọc lên ở San Andrés sau vụ phun trào TBJ. Các cuộc kiểm tra sâu hơn bên dưới tro bụi núi lửa càng khẳng định nó chỉ mới được xây sau thảm họa bởi trước khi siêu núi lửa phun trào, ở đây không có cấu trúc xây dựng nào.
Đến năm 620, núi lửa Loma cách đó 6km phun trào, kim tự tháp tiếp tục được "nâng cấp" và trở nên đồ sộ. Dưới bóng kim tự tháp, dân làng dần quay trở lại thung lũng và sinh sống ở đó cho đến khi nền văn minh của họ sụp đổ.
Minh Hoa (t/h)