Con cá tay hồng (Brachiopsilus dianthus) ẩn mình giữa những mảnh vụn phủ đầy san hô, với những chiếc vây ngực mở rộng giống như bàn tay. Chỉ có một số ít trường hợp chạm trán với loài cá tay màu hồng kể từ khi loài này được phát hiện vào năm 1947.
Các thợ lặn đã chú ý đến con cá trong chuyến lặn khám phá tàu hơi nước SS Tasman của Hà Lan. Brad Turner, một thành viên của đội lặn đã tìm thấy con cá, cho biết: "Chúng tôi đến đó để khám phá xác tàu, nhưng con cá tay lại là thứ thu hút sự chú ý".
Phần còn lại của SS Tasman – một con tàu hơi nước được đóng vào năm 1873 và được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách – nằm gần hòn đảo đá granite Hippolyte Rocks, cách đất liền Tasmania 10 km. Trong khi cố gắng đi qua một lối đi hẹp, con tàu bị chìm khi va phải một rạn san hô chưa được khám phá. 29 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã trốn thoát nhưng để lại 75 con bò trên tàu.
Chuyến lặn này là một phần trong chuỗi các cuộc thám hiểm được lên kế hoạch để kỷ niệm 140 năm con tàu bị chìm.
Ở độ sâu 70m, các thợ lặn có 25 phút để khám phá, chú ý đến nồng độ oxy trong 90 phút trước khi trở lại mặt nước. Khi cuộc lặn kết thúc, họ vô cùng sốc khi phát hiện ra con cá tay màu hồng thứ hai, chỉ cách con cá đầu tiên 10m, Turner cho biết.
B. dianthus là một trong bốn loài cá tay có nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy ở Tasmania. Không giống như các loài cá khác, cá tay không có bong bóng để kiểm soát sức nổi dưới nước nên chúng ở gần đáy biển đầy đá và chỉ có thể bơi những quãng đường ngắn.
Neville Barrett, phó giáo sư sinh thái và đa dạng sinh học tại Đại học Tasmania, nói với Live Science: "Một cách thích nghi quan trọng với môi trường của chúng là khả năng ngụy trang. Chúng sử dụng cách ngụy trang này để tránh bị con mồi và kẻ săn mồi phát hiện, đồng thời sử dụng những chiếc vây có hình dạng bất thường để giúp chúng săn mồi".
Barrett cho biết: "Vây ngực của chúng đã tiến hóa thành các cấu trúc giống như bàn tay, cho phép chúng ngồi dưới đáy biển và nhanh chóng vồ lấy con mồi đi ngang qua".
Các nhà khoa học trước đây tin rằng cá tay hồng sống ở vùng nước nông có độ sâu tối đa 38m.
Vào năm 2021, Viện Nghiên cứu Hàng hải và Nam Cực và Đại học Tasmania đã sử dụng video điều khiển từ xa dưới nước và các phương tiện dưới nước tự động để ghi lại sự xuất hiện của nó ở độ sâu khoảng 120m lần đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên người ta nhìn thấy loài cá tay màu hồng sau 20 năm kể từ khi được phát hiện.
Barrett nói: "Việc nhìn thấy loài cá này là một phần của một số khám phá gần đây trong hai năm qua cho chúng ta thấy rằng loài này có thể sống ở độ sâu hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây”. Các nhà nghiên cứu cho rằng loài cá tay màu hồng đang dần di chuyển từ vùng nước nông ấm lên đến nơi ẩn náu ở vùng nước mát hơn, sâu hơn, làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu loài này có sống sót hay không.
Barrett cảnh báo: “Môi trường sống này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu và loài này có thể dễ dàng bị tuyệt chủng trong 100 năm tới”.
Hải Vân (Theo Livescience)