Tạp chí Science News ngày 16/9 đưa tin, một loài chim cánh cụt với kích thước khổng lồ vừa được xác định từ bộ xương hóa thạch tìm thấy ở cảng Kawhia trên Đảo Bắc của New Zealand.
Loài chim mới được đặt tên là Kairuku waewaeroa, “waewaeroa” trong tiếng Māori có nghĩa là "chân dài". Chúng từng lang thang trên Trái Đất vào thế Oligocen, khoảng 27-35 triệu năm trước.
"Loài chim cánh cụt này tương tự những con chim cánh cụt khổng lồ Kairuku được phát hiện lần đầu tiên ở vùng Otago - New Zealand nhưng có đôi chân dài hơn nhiều. Chúng cao hơn so với các Kairuku khác khi đi trên cạn với chiều cao khoảng 1,4 m. Đôi chân có thể đã ảnh hưởng đến tốc độ bơi hoặc khả năng lặn sâu của Kairuku waewaeroa", TS Daniel Thomas, giảng viên về động vật học tại Trường đại học Massey (New Zealand), cho biết.
Khám phá về loài chim cánh cụt mới ở New Zealand giúp các nhà khoa học lấp đầy một số khoảng trống trong lịch sử tự nhiên. Loài chim cánh cụt có hóa thạch với niên đại gần như xa nhất với thời đại khủng long và có thể nói lên rất nhiều điều về hệ sinh thái cổ xưa và hiện tại.
Được biết, một nhóm học sinh đã tìm thấy hóa thạch của một con Kairuku waewaeroa trong chuyến săn tìm hóa thạch do CLB Tự nhiên học trẻ Hamilton (JUNATS) tổ chức ở cảng Kawhia.
Nhóm dự kiến tìm được hóa thạch của động vật có vỏ và các thứ tương tự như vẫn thường thấy trong các chuyến thám hiểm của câu lạc bộ này. Tuy nhiên, ngay trước khi kết thúc chuyến thám hiểm, nhóm nhận ra dấu vết hóa thạch của một con chim cánh cụt khổng lồ cổ đại chưa từng được khám phá.
Một tháng sau khi phát hiện hóa thạch, nhóm thám hiểm đã mang theo thiết bị và dành một ngày để đưa hóa thạch ra khỏi đá cát. Các nhà khoa học kết luận con chim cánh cụt này có tuổi đời từ 27,3 đến 34,6 tháng và sinh sống ở thời điểm phần lớn Waikato đang chìm trong nước.
"Hóa thạch chim cánh cụt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sống chung với các loài động vật đáng kinh ngạc có từ lâu đời trên lục địa Zealandia. Sự chia sẻ này mang lại cho chúng ta một vai trò giám hộ quan trọng. Cách những đứa trẻ khám phá thiên nhiên và phát hiện ra hóa thạch chim cánh cụt nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc khuyến khích các thế hệ tương lai trở thành những người bảo vệ môi trường", TS Hamilton nói.
Hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ sau đó được tặng cho bảo tàng Waikato, Te Whare Taonga o Waikato. Tại đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Massey và Bảo tàng Bruce bắt đầu các nghiên cứu tiên tiến về hóa thạch.
Phát hiện về Kairuku waewaeroa được mô tả trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống ngày 16/9.
Minh Hoa (t/h)