Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) đang triển khai dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gà nguy cấp, quý hiếm thuộc họ trĩ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, trong đó có gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng.
Việc thực hiện dự án nêu trên góp phần duy trì ổn định, phát triển các loài gà quý hiếm, bảo tồn, duy trì nguồn gen lâu dài. Đồng thời, giúp người dân địa phương nâng cao trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Theo báo cáo, sau nhiều năm điều tra, đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 5 cá thể gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng tại tiểu khu 56 thuộc rừng đặc dụng Pù Hu. Hiện đơn vị này cũng đã nuôi thử nghiệm được 100 cá thể gà lôi trắng trong khu bảo tồn với mục đích bảo tồn loài gà quý này.
Riêng gà tiền mặt vàng đã được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, thế nhưng chúng chỉ xuất hiện ở khu vực xa khu dân cư, với số lượng từ 3-4 cá thể/đàn.
Được biết, tại Việt Nam, bộ gà có duy nhất một họ trĩ (Phasianidae) với 20 loài. Các loài trong bộ gà có kích thước khác nhau. Trong số 20 loài gà hiện có, thì 11 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài có tên trong sách đỏ thế giới.
Gà lôi trắng (tên khoa học là Lophura nycthemera), chúng thường còn được gọi là chim lôi, họ chim trĩ, bộ gà. Nhiều người hay nhầm nó với con công nếu không nhìn kĩ, hình dáng cũng tương tự giống nhau. Gà lôi có kích thước cơ thể khá lớn, thức ăn của chúng là lúa, ngô, trái cây rừng.
Gà tiền mặt vàng (tên khoa học là Polyplectron bicalcaratum) là loài quý hiếm nhất trong các loài gà được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Loài này có tên trong sách đỏ Việt Nam và quốc tế.
Thế Hào (T/h theo Dân Việt, Người Lao Động)