Một nghiên cứu vừa được công bố bởi Science cho thấy có một loại polymer mới có độ cứng gần giống như thủy tinh và có khả năng tự phục hồi chỉ bằng một chút lực bàn tay. Điều này đã dấy lên những hi vọng mới trong ngành công nghiệp smartphone vì màn hình điện thoại bị nứt vỡ có thể tự chữa lành.
Với các loại polymer có khả năng tự hồi phục thông thường phải cần đến nhiệt độ khoảng 120 độ C (248 độ Fahrenheit). Tuy nhiên, điều này sắp có thể trở thành dĩ vãng khi loại vật liệu mới được hoàn thiện và đi vào sản xuất đại trà trong tương lai.
Đây không phải lần đầu tiên một loại vật liệu có khả năng thay thế màn hình điện thoại di động tự phục hồi được phát hiện ra. Trước đó, vào tháng 3, các nhà hóa học tại đại học California và đại học Colorado đã tìm ra một vật liệu tự phục hồi có thể kéo dài đến 50 lần kích thước ban đầu của nó. Và đến tháng 8, Motorola cũng đã thông báo về việc đăng ký thành công bằng sáng chế cho một màn hình điện thoại có khả năng tự chữa lành.
Loại vật liệu polymer mới đã được nghiên cứu bởi đại học Tokyo, đứng đầu là giáo sư Takuo Aida. Như cách một số phát minh đặc biệt đã được phát hiện ra, nó là thành quả của một sự tình cờ.
Một sinh viên có tên Yu Yanagisawa thấy rằng các cạnh cắt của polymer sẽ dính vào nhau khi ấn xuống bằng tay ở 21 độ C. Yu cho rằng mình đã tìm ra một loại kết dính mới. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thêm, anh khá bất ngờ vì đây là một loại vật liệu có khả năng tự “chữa bệnh”.
Tất cả những nghiên cứu từ các nơi trên thế giới đã đem đến hi vọng cho người dùng rằng một ngày nào đó, khi chúng ta thả chiếc điện thoại của mình xuống một bề mặt cứng, chúng sẽ không bị vỡ nát mà có thể tự hồi phục như ban đầu.
Theo Phone Arena