Người ta cho rằng cá chủ yếu dựa vào các phương tiện giao tiếp trên cơ thể như tín hiệu màu sắc, ngôn ngữ cơ thể đến phóng điện. Nhưng những khám phá gần đây đã chứng minh một số loài cá có thể giao tiếp bằng âm thanh.
“Nghiên cứu về "giọng nói" của cá có thể đã bị bỏ qua vì âm thanh của cá không dễ dàng thu được và ngành khoa học về giao tiếp âm thanh dưới nước chủ yếu tập trung vào cá voi và cá heo. Nhưng loài cá cũng có giọng nói”, nhà khoa học thần kinh tiến hóa Andrew Bass của đại học Cornell, Mỹ nói.
Thực tế, từ lâu con người đã biết cá có thể tạo ra âm thanh. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên, do thiếu công nghệ thu âm dưới nước, các nhà khoa học không thể biết có bao nhiêu loài cá có thể tạo ra âm thanh và những âm thanh này là vô nghĩa hay là cách để chúng giao tiếp.
Giờ đây, từ những hồ sơ mô tả giải phẫu, bản ghi âm và nhiều dữ liệu khác, Tiến sĩ Aaron Rice (người đứng đầu nghiên cứu) và đồng nghiệp đã xác định được một số đặc điểm sinh lý cho phép nhóm cá vây tia (Actinopterygii) tạo ra những tiếng động mà không cần dây thanh quản. Nhóm cá này hiện bao gồm hơn 34.000 loài đang sống trên khắp thế giới.
“Chúng có thể nghiến răng hoặc tạo ra tiếng ồn khi chuyển động dưới nước và chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm có liên quan”, ông Rice cho biết.
Theo các nhà khoa học, những âm thanh đó “là phương thức giao tiếp chính của cá, chứ không phải chỉ là một vài âm thanh kỳ quặc”.
Trong số 175 họ cá, 2/3 có thể giao tiếp bằng âm thanh. Phân tích cho thấy những giao tiếp bằng âm thanh này có thể đã tiến hóa độc lập ở loài cá. Thậm chí, nhóm ông Rice còn phát hiện ra cá tầm cổ đại lần đầu tiên bắt đầu “trò chuyện thành tiếng” từ cách đây 155 triệu năm, cùng thời điểm một số loài chim và động vật có vú bắt đầu biết giao tiếp bằng âm thanh.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một số loài cá, như cá cóc, phát ra âm thanh tương tự tiếng ếch nhái, trong khi những loài khác như cá Midshipman phát ra âm thanh trầm thấp.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Lao Động)